Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Soạn văn 8 sách Cánh Diều, bài 6: Lão Hạc

Thứ ba - 02/01/2024 03:01
Soạn văn 8 sách Cánh Diều, bài 6: Lão Hạc - Trang 4, 5, ..., 13.

1. Chuẩn bị:

- Khi đọc hiểu truyện ngắn, các em cần lưu ý:
+ Tóm tắt được nội dung văn bản (cốt truyện).
Trả lời:
+ Tóm tắt: Vợ đã mất, con trai vì nghèo mà không lấy được vợ nên phẫn chí xin đi mộ phu đồn điền cao su, một mình lão Hạc thui thủi bầu bạn cùng cậu Vàng, vốn là con chó mà con trai từng nuôi. Thế nhưng cuối cùng lão cũng phải tính toán bán cậu Vàng đi vì tình cảnh ngặt nghèo khó lòng nuôi nổi nó. Sau khi bán chó, lão Hạc tính trước tương lai khi gửi gắm ông giáo tiền bạc và nhờ ông trông nom giúp cửa nhà. Những ngày khốn khó bất ngờ ập đến, lão Hạc dần xa cách mọi người đặc biệt là ông giáo. Điều ấy khiến cho họ hiểu nhầm lão. Cuối cùng, lão tự tử bằng bả chó, gây bất ngờ cho mọi người và để lại nhiều xót xa, ngậm ngùi cho ông giáo.

+ Nhân vật và mối quan hệ giữa các nhân vật trong truyện.
Trả lời:
+ Nhân vật: lão Hạc và ông giáo (mối quan hệ - hàng xóm).

+ Đề tài của truyện, ý nghĩa nhan đề của tác phẩm.
Trả lời:
+ Đề tài: người nông dân trong xã hội cũ
+ Ý nghĩa nhan đề: gợi sự đồng cảm của người đọc với thân phận người nông dân đồng thời gợi sự căm phẫn đối với ách thống trị của chế độ thực dân – phong kiến.

+ Liên hệ với bối cảnh xã hội và những hiểu biết của bản thân để hiểu sâu hơn tác phẩm truyện.
Trả lời:
– Đọc trước truyện ngắn Lão Hạc; tìm hiểu thêm thông tin về tác giả Nam Cao và một số bài viết xung quanh tác phẩm Lão Hạc.
- Tác giả, tác phẩm:
+ Nam Cao (tên khai sinh là Trần Hữu Tri, 29 tháng 10, năm 1915 hoặc 1917 – 30 tháng 11 năm 1951) là một nhà văn, nhà thơ, nhà báo và cũng là một chiến sĩ, liệt sỹ người Việt Nam.
+ Ông là nhà văn hiện thực lớn (trước Cách mạng Tháng Tám), một nhà báo kháng chiến (sau Cách mạng), một trong những nhà văn tiêu biểu nhất thế kỷ 20.
+ Lão Hạc là một truyện ngắn của nhà văn Nam Cao được viết vào năm 1943. Tác phẩm được đánh giá là một trong những truyện ngắn tiêu biểu của dòng văn học hiện thực, nội dung truyện đã phần nào phản ánh được hiện trạng xã hội Việt Nam trong giai đoạn trước Cách mạng tháng Tám.
 

2. Đọc hiểu:

* Nội dung chính:
Truyện kể về lão Hạc - một người nông dân nghèo, sống cô độc chỉ có con chó vàng làm bạn. Con trai lão vì nghèo không lấy được vợ đã phẫn chí bỏ làng đi làm ăn xa. Lão Hạc ở nhà chờ con về, làm thuê để sống. Dù đói lão vẫn quyết không bán mảnh vườn và không ăn vào số tiền dành dụm được do thu hoạch từ mảnh vườn; lão giữ cả cho con trai.
 

* Trả lời câu hỏi giữa bài:

Câu 1 - Trang 5: Đoạn văn “Tôi cũng ngồi lặng lẽ […] tôi quý năm quyển sách của tôi…” thuật lại những sự kiện liên quan đến nhân vật nào?
Trả lời:
- Đoạn văn liên quan đến nhân vật ông giáo.

Câu 2 - Trang 6: Đoạn văn này giúp em hiểu thêm được gì về hoàn cảnh của nhân vật lão Hạc?
Trả lời:
Đoạn văn giúp em hiểu thêm được gì về hoàn cảnh của nhân vật lão Hạc: Lão Hạc là một con người có cuộc sống nghèo khổ, bất hạnh. Lão nghèo đến mức không thể lấy ra trăm bạc để lấy vợ cho người con trai duy nhất của mình, con trai ông phẫn chí đi đồn điền cao su Nam Kỳ, đi sáu năm rồi vẫn chưa về.

Câu 3 - Trang 7: Những lời nói của lão Hạc với “cậu Vàng” thể hiện điều gì?
Trả lời:
Lời nói của lão Hạc với cậu Vàng thể hiện nỗi nhớ mong, tình cảm mà lão dành cho cậu con trai đi mãi không về đồng thời cũng thể hiện tình yêu mà lão Hạc dành cho cậu Vàng.

Câu 4 - Trang 9: Chú ý cách Nam Cao miêu tả nhân vật Lão Hạc qua ngoại hình, ngôn ngữ, tâm lí.
Trả lời:
- Ngoại hình: Mặt lão đột nhiên co rúm lại, những nếp nhăn xôi lại, cái đầu lão ngoẹo về một bên, cái miệng móm mém mếu như con nít,…
- Ngôn ngữ: Cậu Vàng đi đời rồi ông giáo ạ!, Khốn nạn,… Ông giáo ơi!,…
- Tâm lí: Đau đớn, xót xa

Câu 5 - Trang 9: Câu nói của lão Hạc “chua chát” ở chỗ nào?
Trả lời:
- Câu nói của lão Hạc chua chát ở chỗ: lão rất yêu quý cậu Vàng nhưng vì hoàn cảnh lão buộc phải bán nó đi và để che đậy cho nỗi xót xa vì mất đi người bạn trung thành lão đành tìm một lí do là “hoá kiếp” cho cậu Vàng được làm người.

Câu 6 - Trang 10: Chú ý thái độ của ông giáo qua lời nói và hành động.
Trả lời:
Thái độ an ủi, đồng cảm, sẻ chia.

Câu 7 - Trang 10: Qua những việc nhờ ông giáo, nhân vật lão Hạc đã thể hiện được đặc điểm nào?
Trả lời:
Qua những việc nhờ ông giáo, nhân vật lão Hạc đã thể hiện được đặc điểm:
- Yêu thương con trai, luôn mong ngóng con trở về
- Lo lắng chu toàn cho con
- Có lòng tự trọng (không muốn làm ảnh hưởng đến người khác)
- Là người hay suy nghĩ và tỉnh táo nhận ra tình cảnh của mình lúc này

Câu 8 - Trang 11: Những từ ngữ nào thể hiện sự nhún nhường hết mức của lão Hạc?
Trả lời:
- Những từ ngữ thể hiện sự nhún nhường hết mức của lão Hạc: cắn rơm cắn cỏ, lạy, ông giáo có nghĩ cái tình tôi già nua tuổi tác mà thương…

Câu 9 - Trang 11: Chú ý tình cảnh của Lão Hạc.
Trả lời:
Khó khăn, không còn gì để ăn. Phải ăn khoai, ăn củ chuối, rau má,…

Câu 10 - Trang 11: Lời tâm sự của nhân vật ông giáo ở đây là nói với ai?
Trả lời:
Lời tâm sự của nhân vật ông giáo ở đây là nói với chính mình cũng là cho những người đọc. Câu nói thể hiện quan niệm của tác giả Nam Cao về cách nhìn người, thấu hiểu và đánh giá con người. 

Câu 11 - Trang 12: Điều gì khiến ông giáo thấy “Cuộc đời quả thật cứ mỗi ngày một thêm đáng buồn…”?
Trả lời:
- Vì ông giáo nghĩ lão Hạc - một người lương thiện nhưng cũng bị tha hoá, xấu xa giống như Binh Tư.

Câu 12 - Trang 12: Chú ý các chi tiết miêu tả cái chết của Lão Hạc.
Trả lời:
- Chi tiết: Lão Hạc đang vật vã ở trên giường …. Cái chết thật là dữ dội”.
 

* Trả lời câu hỏi cuối bài:

Câu 1 - Trang 13: Tóm tắt truyện Lão Hạc trong khoảng 10 – 15 dòng.
Trả lời:
Lão Hạc là một nông dân chất phác, hiền lành. Lão vốn góa vợ và có một đứa con trai nhưng vì nhà quá nghèo con trai lão quẫn trí đã đăng kí đi làm đồn điền cao su. Lão Hạc sống cô độc, nghèo khổ với một chú chó tên là cậu Vàng làm bạn. Sau một trận ốm dài, lão đã không đủ sức làm thuê như trước, đến đường cùng, lão đã ra một quyết định hết sức đau đớn là bán cậu Vàng. Sau đó lão đem tiền bán chó và mảnh vườn để gửi ông giáo lo trước tiền ma chay. Ông giáo là một người trí thức nghèo hay sang nhà lão. Trước đó, lão nói dối Binh Tư- một người àm nghề trộm chó rằng xin bả chó để bắt con chó hay vào vườn nhưng thực ra là để tự kết liễu đời mình. Sau đó, Lão Hạc đã chết trong dữ dội, trong quằn quại, không một ai hiểu nguyên nhân lão chết ngoại trừ Binh Tư và ông giáo.

Câu 2 - Trang 13: Truyện có những nhân vật nào đáng chú ý? Phần (1) và (2) (in chữ nhỏ) mở đầu văn bản có vai trò như thế nào đối với phần sau của truyện?
Trả lời:
- Truyện có những nhân vật đáng chú ý: Lão Hạc, ông giáo, cậu Vàng.
- Phần (1) và (2) mở đầu văn bản có vai trò giới thiệu hoàn cảnh khốn khổ của lão Hạc; từ đó, tô đậm thêm những ngang trái xảy đến với lão Hạc trong phần (3) cũng như góp phần làm rõ nguyên nhân dẫn đến sự lựa chọn kết cục đầy bi thảm của lão Hạc ở cuối ở văn bản.

Câu 3 - Trang 13: Phân tích nhân vật lão Hạc:
a. Hoàn cảnh lão Hạc trong truyện có gì đặc biệt? Người đọc biết được hoàn cảnh ấy qua lời kể của ai?
b. Phân tích diễn biến hành động, tâm trạng của lão Hạc sau khi bán con chó Vàng. Theo em, nguyên nhân nào khiến lão Hạc có hành động và tâm trạng như vậy?
c. Trước khi chết, lão Hạc đã chuẩn bị những gì? Tìm các chi tiết miêu tả cái chết của lão Hạc. Từ các chi tiết đó, em nhận xét gì về nhân vật này?
Trả lời:
a. Hoàn cảnh của lão Hạc: Vợ mất sớm, một mình nuôi con khôn lớn. Trong nhà tài sản không có gì ngoài ba sào vườn, một túp lều nhỏ và một con chó được ông rất yêu quý đặt tên là cậu Vàng. Ông không có tiền cho con trai cưới vợ, người con trai bỏ đi đồn điền cao su, bỏ lại lão sống một mình. Sau một trận ốm, khi đã quá túng quẫn lão quyết định bán cậu Vàng - kỉ vật mà anh con trai để lại, không chỉ là một con vật mà còn giống như một người bạn.
Người đọc biết được hoàn cảnh ấy qua lời kể của ông giáo.

b. - Diễn biến hành động, tâm trạng của lão Hạc sau khi bán chó:
+ Sau khi bán chó lão chạy sang nhà ông giáo kể về việc bán cậu Vàng với đôi mắt "ầng ậc nước", mếu máo, đôi mắt ầng ậc nước, mặt co rúm lại, đầu nghẹo sang một bên, lão khóc hu hu...Lão dằn vặt đau đớn đến tận cùng.
+ Lão đã ăn năn, dằn vặt, day dứt vì mình đã "lừa một con chó".
+ Lão khóc trong đau đớn vì không thể tha thứ cho bản thân mình.
+ Sau đó, lão tự an ủi bản thân vì đã "hóa kiếp cho nó".
- Nguyên nhân khiến lão Hạc có hành động như vậy là do tình cảnh  nghèo khó, khốn cùng lão bị dồn vào đến chân tường, không còn sự lựa chọn nào khác. Do sau trận ốm lão không thể tự lo cho bản thân và một phần cũng vì thương con, lo con trai sau khi đi đồn điền cao su về không có tiền lấy vợ.

c.
- Trước khi chết, lão sang nhờ ông giáo giữ tiền và trông coi mảnh vườn, sau đó xin Binh Tư ít bả chó.
- Các chi tiết, từ ngữ miêu tả cái chết của Lão Hạc: Đau đớn, dữ dội, vật vã, âm thầm, lớn lao, thiêng liêng.
- Từ một số chi tiết về lão Hạc ở nửa sau tác phẩm, em nhận thấy lão Hạc là người có lòng tự trọng, biết lo xa. Lão không chấp nhận việc làm bất lương, không nhận sự giúp đỡ. Lão Hạc cũng là một người rất coi trọng nhân phẩm, danh dự. Ông coi trọng nó hơn cả mạng sống của mình.  

Câu 4 - Trang 13: Em có nhận xét gì về nhân vật ông giáo (hoàn cảnh, suy nghĩ, thái độ, tình cảm dành cho lão Hạc…)? Chỉ ra vai trò của nhân vật này trong văn bản.
Trả lời:
* Hoàn cảnh:
- Có hoàn cảnh tương tự lão Hạc:
+ Nghèo khổ, vất vả.
+ Vì cuộc sống mà phải dứt ruột bán đi những thứ vô cùng quý giá với bản thân.
Ít nhiều gắn bó với lão Hạc:
+ Được lão chia sẻ những dự định, nỗi niềm.
+ Được lão tin tưởng nhờ cậy hai chuyện quan trọng cuối cùng.

* Suy nghĩ
- Thường có sự đối chiếu giữa hoàn cảnh của bản thân với hoàn cảnh của lão Hạc.
- Có những bình luận, đánh giá khá sắc sảo, tinh tế về những chuyện lão Hạc kể hoặc những điều biết về lão Hạc.
- Càng về cuối tác phẩm càng nhiều những day dứt, suy tư về nhân thế.

* Tình cảm, thái độ dành cho lão Hạc:
– Thoạt đầu có vẻ dửng dưng, thờ ơ khi nghe chuyện lão Hạc muốn bán chó và tâm sự về con trai.
– Cảm thông, chia sẻ, muốn giúp đỡ lúc thấy lão Hạc đau đớn vì bán chó.
– Buồn bã, khó hiểu khi lão Hạc từ chối sự giúp đỡ.
– Thoáng nghi ngờ, thất vọng khi nghe Binh Tư kể chuyện lão Hạc xin bả chó.
– Thương cảm, xót xa khi chứng kiến cái chết của lão Hạc và nguyện làm theo những mong muốn của lão để lão ra đi được nhẹ lòng.

* Vai trò của nhân vật:
– Bộc lộ tình cảm, thái độ của nhà văn dành cho nhân vật lão Hạc.
– Với vai trò người kể chuyện, nhân vật đã giúp câu chuyện sinh động hơn nhờ sự đan xen, kết hợp yếu tố miêu tả, biểu cảm, nghị luận trong quá trình trần thuật.

Câu 5 - Trang 13: Theo em, với truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã gửi gắm những điều gì khi viết về người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám 1945?
Trả lời:
Khi viết về người nông dân nghèo trước Cách mạng tháng Tám 1945 với truyện ngắn Lão Hạc, Nam Cao đã gửi gắm những điều gì sau:
- Nhà văn xót xa, đau đớn cho số phận bi thảm của người nông dân trong xã hội cũ.
- Nhà văn trân trọng, ngợi ca vẻ đẹp tiềm ẩn của người nông dân dù trong hoàn cảnh khốn cùng vẫn giữ lòng tự trọng.
- Nhà văn chia sẻ và cảm thông với những khát vọng, ước mơ chính đáng của họ.

Câu 6 - Trang 13: Chỉ ra những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc. Trong đó, em ấn tượng nhất với yếu tố nào? Vì sao?
Trả lời:
– Những yếu tố nghệ thuật đặc sắc của truyện ngắn Lão Hạc:
+ Xây dựng nhân vật sinh động, khắc hoạ tâm lí tinh tế.
+ Trần thuật bằng ngôi thứ nhất làm tăng tính khách quan, chân thực cho câu chuyện.
+ Kết hợp linh hoạt tự sự và một số phương thức biểu đạt khác.
– Yếu tố nghệ thuật mà em ấn tượng nhất chính là nghệ thuật xây dựng nhân vật, mỗi nhân vật trong tác phẩm đều đại diện cho một tầng lớp trong xã hội cũ, họ sống lầm than, nghèo khổ, chật vật và không có lối thoát. Cách xây dựng nhân vật này giúp người đọc hiểu rõ hơn về hoàn cảnh xã hội cũng như số phận chung của những người lao động thấp cổ bé họng lúc bấy giờ.

Câu 7 - Trang 13: Trong truyện có nhiều đoạn văn mang tính triết lí về cuộc sống, con người. Em thích nhất đoạn văn nào? Vì sao?
Trả lời:
- Em thích nhất đoạn văn “Chao ôi! Đối với những người ở quanh ta… không bao giờ ta thương....” vì đoạn văn này thể hiện sự cảm thông của tác giả với người lao động trong xã hội cũ, họ đã quá khổ sở để lo cho chính bản thân mình mà không thể động lòng thương với bất cứ ai.

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây