Soạn văn 6 sách Cánh diều bài: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích
Thư viện sách
2021-07-21T04:21:42-04:00
2021-07-21T04:21:42-04:00
https://sachthuvien.com/ngu-van-6-cd/soan-van-6-sach-canh-dieu-bai-viet-bai-van-ke-lai-mot-truyen-truyen-thuyet-hoac-co-tich-14252.html
https://sachthuvien.com/uploads/news/2021_07/sach-canh-dieu-sachgiai.com.jpg
Sách thư viện
https://sachthuvien.com/uploads/sach-thu-vien-logo.png
Thứ tư - 21/07/2021 00:32
Soạn văn 6 sách Cánh diều bài: Viết bài văn kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích - Trang 28
1. Định hướng
a) Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích là dùng lời văn của mình kể lại nội dung một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích đã học (hoặc đã đọc, đã nghe).
b) Viết bài văn kể lại truyện truyền thuyết, cổ tích không phải là chép lại nguyên văn câu chuyện trong sách. Người kể có thể thay đổi từ ngữ, cách đặt câu; thêm một vài chi tiết; thêm các yếu tố miêu tả, biểu cảm hoặc nêu ra một kết thúc khác theo hình dung, tưởng tượng của mình.
c) Lựa chọn truyện: Nếu đề bài không yêu cầu kể một truyện nhất định, em nên chọn một truyện em thích.
2. Thực hành
Bài tập: Kể lại truyền thuyết “Thánh Gióng”.
a) Chuẩn bị
- Đọc lại truyền thuyết Thánh Gióng; ghi lại sự kiện chính, tưởng tượng về Thánh Gióng.
- Suy nghĩ về những chi tiết, hình ảnh, từ ngữ biểu cảm có thể thêm vào truyện.
b) Tìm ý và lập dàn ý
- Tìm ý:
+ Truyền thuyết Thánh Gióng kể lại cuộc chiến đấu một mình của Gióng chiến thắng quân thù.
+ Truyện có những sự kiện và nhân vật chính: Câu chuyện kể về nhân vật chính Thánh Gióng:
- Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng.
- Thánh Gióng biết nói và đòi đi đánh giặc.
- Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai mặc áo giáo sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt.
- Thánh Gióng dẹp tan quân giặc.
- Sau đó, người cùng với ngựa bay lên trời.
+ Diễn biến của câu chuyện (mở đầu, phát triển, kết thúc):
- Mở đầu: Sự ra đời kì lạ của Thánh Gióng.
- Phát triển: Thánh Gióng biết nói và đòi đi đánh giặc. → Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai mặc áo giáo sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt. → Thánh Gióng dẹp tan quân giặc.
- Kết thúc: Thánh Gióng cùng với ngựa sắt bay lên trời.
+ Có thể thêm, bớt những chi tiết, hình ảnh,… của truyện như:
- Cảnh dân làng nô nức cùng nhau gom góp gạo;
- Cảnh Thánh Gióng ăn nhiều như thế nào?
- Miêu tả kĩ hơn hình ảnh Thánh Gióng khi mặc áo giáp;
- Thêm cảnh Thánh Gióng tạm biệt gia đình và làng;...
+ Truyện gợi cho em những cảm xúc tự hào về truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc từ thuở xa xưa, biết ơn ông cha ta đã hi sinh xương máu đem lại nền tự do cho dân tộc. Từ đó nảy sinh suy nghĩ, ý thức về những hành động của mình cho Tổ quốc.
- Lập dàn ý:
+ Mở bài:
- Lí do kể lại: Trong rất nhiều tác phẩm đã đọc và từng được học, thì em thấy Thánh Gióng là câu chuyện có ấn tượng sâu sắc.
- Giới thiệu về tác phẩm: Thánh Gióng một tác phẩm truyền thuyết đặc sắc.
+ Thân bài: Kể lại những sự kiến chính bằng lời văn của em.
- Hoàn cảnh ra đời khác thường của Gióng:
- Hai ông bà đã già, chưa có con.
- Bà lão giẫm lên một dấu chân khổng lồ, về nhà thụ thai.
- Mười hai tháng sau bà sinh một đứa con trai.
- Khi ba tuổi chú bé vẫn chưa biết nói, biết cười, cũng chẳng biết đi.
- Gióng xin đi đánh giặc và lớn nhanh như thổi:
- Giặc Ân xâm lược, thế giặc mạnh, vua cho sứ giả đi tìm người tài.
- Chú bé bỗng nhiên nói được, nhờ mẹ mời sứ giả. Nói với sứ giả đúc ngựa sắt, áo giáp sắt, roi sắt.
- Gióng lớn nhanh như thổi, vươn vai mặc áo giáo sắt, cưỡi ngựa sắt, cầm roi sắt.
- Gióng ra trận đánh giặc:
- Giặc đến chân núi Trâu. Sứ giả mang ngựa sắt, roi sắt, áo giáp sắt đến.
- Chú bé vươn vai thành tráng sĩ khổng lồ, vỗ vào mông ngựa, ngựa hí vang. Tráng sĩ mặc giáp, cầm roi, cưỡi ngựa ra trận.
- Ngựa xông vào giặc; tráng sĩ cầm roi đánh giặc, ngựa sắt phun lửa thiêu giặc. Giặc chết như rạ.
- Roi sắt gãy, tráng sĩ nhổ tre đánh giặc.
- Đuổi giặc đến chân núi Sóc, tráng sĩ lên núi, cởi áo để lại, người cùng với ngựa bay lên trời.
- Vua ghi nhớ công ơn Thánh Gióng.
- Gióng để lại nhiều dấu tích.
+ Kết bài: Nêu cảm nghĩ của em về truyện hoặc nhân vật chính trong Thánh Gióng.
Bài làm tham khảo:
Bài 1: Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích (Thánh Gióng)
Em được cô giáo giảng dạy nhiều truyền thuyết về các vị anh hùng trong lịch sử chống giặc ngoại xâm. Tác phẩm loại nào cũng hay cũng hấp dẫn và để lại ấn tuợng sâu sắc trong em. Nhưng bản thân em vẫn mãi khắc ghi một truyền kỳ về người anh hùng ở làng Gióng, được truy phong là Phù Đổng Thiên Vương, mà nhân dân Việt Nam ta đời đời nhớ ơn.
Tương truyền rằng vào thời vua Hùng Vương thứ sáu, có một đôi vợ chồng già chăm chỉ làm ăn sinh sống ở làng Gióng. Thế nhưng hai người mãi chẳng có lấy một mụn con. Vì tuổi đã cao mà chưa có con nên ước muốn lớn lao nhất của họ chính là có một đứa con. Cho đến một ngày, khi bà lão đi ra đồng thì chợt thấy một dấu chân to khổng lồ. Lấy làm ngạc nhiên, bà lão đưa chân mình vào ướm thử để đo xem dấu vết chân đó to đến cỡ nào. Thời gian thấm thoát trôi đi, bà lão chẳng còn nhớ đến vết chân ngày xưa nữa thì bỗng một ngày bà có thai. Hai vợ chồng bà lão mừng lắm, phúc đức bao lâu nay đã được đền đáp lại.
Kì lại ở chỗ là tận mười hai tháng bà mới sinh ra một cậu bé khôi ngô, tuấn tú. Hai ông bà vô cùng mừng rỡ khi sinh được con thế nhưng lại lo lắng, buồn bã không hiểu sao. Ấy là kể từ khi ra đời, đứa trẻ đó lại chẳng biết nói, cũng không biết cười, không biết đi, chỉ đặt đâu thì nó nằm đấy. Thật chẳng giống một đứa bé bình thường một chút nào!
Lúc bấy giờ, giặc Ân tràn sang xâm lược nước ta khiến ai nấy cũng đều khiếp sợ. Chúng khiến cho đời sống nhân dân vô cùng khổ cực, ép đất nước lúc này rơi vào tình cảnh khốn khổ. Nhà vua sai sứ giả đi rao tin khắp nơi, hi vọng có thể tìm được người tài đứng lên cứu giúp đất nước. Sứ giả đi rao tin và khi đến làng Gióng thì có tin mừng. Nghe tiếng sứ giả, cậu bé bỗng nhiên cất tiếng gọi mẹ: "Mẹ ơi, mẹ hãy mời sứ giả vào đây cho con". Thấy đứa con mình suốt bao nhiêu ngày tháng không nói, không cười bỗng dưng hôm nay lại cất tiếng gọi mẹ, hai ông bà lão vừa ngạc nhiên vừa mừng rỡ, liền mời sứ giả vào ngay.
Khi sứ giả vào nhà, cậu bé đã ngay lập tức yêu cầu sứ giả hãy về chuẩn bị đủ những vũ khí để đi đánh giặc: Ngựa sắt, áo sắt và tấm giáp sắt để phá tan lũ giặc xâm lược. Sứ giả liền nghi ngờ liệu một đứa trẻ có thật sự cứu giúp đất nước hay không. Thế nhưng cũng mừng rỡ vì đã có người dám đứng lên chống giặc, liền vội về tâu lên cho nhà vua chuẩn bị. Nhà vua cũng đồng ý theo lời của cậu bé. Lạ lùng thay, Thánh Gióng từ khi gặp được sứ giả của nhà vua thì lớn nhanh như thổi, cơm cha mẹ thổi bao nhiêu cậu ăn cũng không đủ no, quần áo chẳng mấy chốc đều chật hết cả. Cậu cứ ăn mãi ăn mãi mà vẫn cứ đòi ăn thế nên dân làng cùng nhau góp gạo nuôi cậu. Ai nấy cũng hi vọng cậu sẽ giúp đất nước yên ổn trở lại. Cậu bé chẳng mấy chốc hóa thành một chàng trai cao lớn, khỏe mạnh, khí thế ngút trời.
Giặc vừa đến núi Trâu cũng là lúc nhà vua sai người đem đến đủ cả những thứ mà Gióng yêu cầu. Khoác lên mình áo giáp sắt, tay cầm roi sắt và cưỡi ngựa sắt, Thánh Gióng bỗng trở thành một tráng sĩ mình cao hơn trượng, oai phong lẫm liệt. Trước khi đi, cậu cảm ơn đức sinh thành của cha mẹ, cảm ơn làng xóm đã góp phần nuôi lớn mình. Nhảy lên mình ngựa, ngứa hí dài vang dội khắp đất trời, Thánh Gióng lên đường đi đánh giặc.
Cậu đi đến đâu đánh bại quân giặc đến đấy. Thánh Gióng đón đầu chúng, đến những nơi có giặc, không để đường lui cho kẻ thù. Khi roi sắt gãy, Gióng liền nhổ những cụm tre bên đường, quật ngã bọn giặc ngoại xâm. Chẳng mấy chốc, một mình Thánh Gióng đã tiêu diệt toàn bộ quân giặc. Một hồi, ngựa của Thánh Gióng đã đến chân núi Sóc Sơn, Thánh Gióng liền cởi bộ giáp sắt đang mặc trên người ra mà bay thẳng lên trời.
Để nhớ đến công lao của Thánh Gióng, nhà vua đã cho người lập đền thờ của vị tướng này tại quê nhà của ông là làng Gióng. Cho đến nay, vẫn còn rất nhiều dấu tích năm xưa còn lưu lại và cứ tháng tư hằng năm, người ta vẫn thường đến đền thờ Phù Đổng Thiên Vương để tưởng nhớ ông. Người ta vẫn thường truyền tai nhau những dấu tích mà tráng sĩ và ngựa sắt đã đánh tan giặc Ân, đó là tre đằng ngà, những ao hồ liên tiếp…
Em rất thích đọc câu truyện này vì câu truyện này thể hiện người Việt Nam có truyền thống yêu chuộng hòa bình và muốn có người anh hùng chống giặc ngoại xâm của người Việt cổ. Chính vì thế, Thánh Gióng được xây dựng bởi nhiều chi tiết kì ảo, mang trong mình sức mạnh vô biên – hình tượng anh hùng của muôn đời.
Bài 2: Kể lại một truyện truyền thuyết hoặc cổ tích (Sơn Tinh, Thuỷ Tinh)
Dàn ý
A. Mở bài
Giới thiệu truyền thuyết “Sơn Tinh, Thủy Tinh”.
B. Thân bài (diễn biến sự việc)
+ Mở đầu:
- Vua Hùng Vương có con gái tên Mị Nương.
+ Thắt nút
- Vua tìm gả chồng cho con.
+ Phát triển
- Sơn Tinh, Thủy Tinh đến tranh tài.
+ Mở nút
- Sơn Tinh đến trước lấy được Mị Nương.
+ Kết thúc
- Thủy Tinh đánh Sơn Tinh.
C. Kết bài.
- Ý nghĩa câu chuyện: Hiện tượng lũ lụt.
Bài làm
Vào mỗi cuối tuần, em được bố mẹ cho về quê chơi. Ở quê có rất nhiều trò chơi thú vị, nhưng em thích nhất chính là được nghe bà kể cho những câu chuyện hấp dẫn. Trong những câu chuyện mà bà kể thì em thích nhất là câu chuyện Sơn Tinh, Thủy Tinh.
Sơn Tinh, Thủy Tinh là một truyền thuyết có từ thời rất xa xưa. Câu chuyện lấy bối cảnh ở nước ta vào thời Hùng Vương thứ mười tám. Ông ấy có một người con gái rất xinh đẹp, tính nết hiền dịu tên là Mị Nương. Năm nàng trưởng thành, vua Hùng muốn tìm cho nàng một người chồng thật xứng đáng. Thế nên nhiều chàng trai tuy muốn cưới nàng làm vợ đã chùn bước. Một hôm, có hai chàng trai cùng đến cầu hôn. Cả hai đều khôi ngô tuấn tú và có nhiều phép lạ. Một người là Sơn Tinh - đến từ vùng núi Tản Viên, khi chàng vẫy tay thì phía Đông nổi lên cồn cát, phía Tây mọc lên từng dãy núi đồi. Một người là Thủy Tinh - đến từ vùng biển, có khả năng hô mưa gọi gió. Hai chàng ngang sức ngang tài, khiến nhà vua khó đưa ra quyết định. Vì vậy, vua Hùng đã họp bàn với các Lạc Hầu và đưa ra quyết định: Nếu ai đem đủ các sính lễ được yêu cầu đến trước, thì sẽ được cưới nàng Mị Nương. Sinh lễ bao gồm: “Một trăm ván cơm nếp, một trăm nệp bánh chưng và voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao, mỗi thứ một đôi.”
Ngày hôm sau, khi trời vừa tờ mờ sáng, thì Sơn Tinh đã đem đủ sính lễ đến và rước nàng Mị Nương về núi. Thủy Tinh đến sau, không cưới được vợ thì vô cùng tức giận nên đem quân đuổi theo Sơn Tinh hòng cướp lại Mị Nương. Thủy Tinh hô mưa gọi gió tạo thành dông bão làm rung chuyển cả đất trời. Thần dâng nước lên cao, ngập cả nhà cửa, lưng đồi, sườn núi, ngập hết cả thành Phong Châu khiến nhân dân điêu đứng. Trước tình thế đó, Sơn Tinh dùng phép lạ bốc từng quả đồi, dời từng dãy núi, dựng thành lũy đất, giúp nhân dân ngăn dòng nước lũ. Hai bên đánh nhau suốt mấy tháng trời. Thủy Tinh dâng nước lên cao bao nhiêu, thì Sơn Tinh nâng đồi núi cao lên bấy nhiêu. Cuối cùng, Thủy Tinh kiệt sức, đành phải rút quân dù không cam lòng. Thế nên, hằng năm, Thủy Tinh đều dâng nước, làm gió làm mưa đánh Sơn Tinh. Nhưng không bao giờ chiến thắng được.
Sau khi bà kể xong, bố em ngồi ở bên cạnh đã giải thích thêm cho em về ý nghĩa của câu chuyện. Thì ra đây không phải là một câu chuyện có thật ở trong lịch sử. Mà nó được nhân dân sáng tác ra để giải thích cho hiện tượng lũ lụt hằng năm. Đồng thời, nó còn chứa đựng những mong muốn, khát vọng chế ngự thiên tai của người dân ngày xưa. Thật là một câu chuyện thú vị.