Câu 2 - Trang 115: Vì sao Đại Việt là một nước độc lập?
Trả lời:
- Đại Việt là một nước độc lập vì có nền văn hiến riêng, lãnh thổ riêng, phong tục riêng, lịch sử riêng và có chế độ, chủ quyền riêng. Như vậy, đủ để khẳng định Đại Việt là một quốc gia độc lập, tự chủ tự cường, có thể vượt qua mọi thách thức để đi đến độc lập.
Câu 3 - Trang 115: Phần (2) nhằm chứng minh cho điều gì?
Trả lời:
Phần 2 nhằm chứng minh cho việc giặc ngoại xâm sang xâm phạm nước ta sẽ thất bại và phải trả giá đắt bằng cả tính mạng của mình.
Câu 1 - Trang 116: Trong hai dòng đầu của văn bản Nước Đại Việt ta, tác giả nêu lên tư tưởng gì? Diễn đạt nội dung của tư tưởng đó bằng 2 – 3 câu văn.
Trả lời:
- Trong hai dòng đầu tác giả đã nêu lên tư tưởng nhân nghĩa. Nhân nghĩa theo quan điểm của Nguyễn Trãi có nghĩa là: yên dân, trừ bạo.
+ Nhân nghĩa là khoan dung, an dân, vì dân.
+ Nhân nghĩa là lý tưởng xây dựng lý tưởng đất nước.
+ "yên dân" là thương dân, lo cho dân
+ "trừ bạo" lo diệt trừ giặc ngoại xâm, làm đất nước độc lập (diệt giặc Minh).
=> Tư tưởng "nhân nghĩa" theo Nguyễn Trãi có nghĩa là phải yên dân, yêu thương bảo vệ nhân dân. Tư tưởng này mang tính triết lý, bao trùm toàn bộ cuộc đời và các sáng tác của ông.
Câu 2 - Trang 116: Đại cáo bình Ngô được coi là một bản Tuyên ngôn Độc lập. Những nội dung nào trong đọan trích Nước Đại Việt ta thể hiện điều đó?
Trả lời:
- Những nội dung trong đoạn trích Nước Đại Việt ta thể hiện điều đó:
+ Vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
+ Núi sông bờ cõi đã chia.
+ Phong tục Bắc Nam cũng khác.
+ Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
Câu 3 - Trang 116: Xác định luận đề, luận điểm, lí lẽ và bằng chứng của văn bản.
Trả lời:
- Luận đề: khẳng định nền độc lập của đất nước Đại Việt.
- Luận điểm, lí lẽ và bằng chứng:
+ Luận điểm 1: Tư tưởng của tác giả (yên dân và trừ bạo).
+ Luận điểm 2: Phân định rõ ràng về sự tồn tại của đất nước (có nền văn hiến riêng, lãnh thổ riêng, phong tục riêng, lịch sử riêng và có chế độ, chủ quyền riêng).
+ Luận điểm 3: Thể hiện ý chí, sức mạnh của nhân nghĩa và của độc lập dân tộc (“Lưu Cung tham công nên thất bại/Triệu Tiết thích lớn”, “Cửa Hàm Tử bắt sống Toa Đô/Sông Bạch Đằng giết tươi Ô Mã”...).
Câu 4 - Trang 116: Chỉ ra và phân tích tác dụng của phép so sánh, phép đối, cách sử dụng câu văn biền ngẫu trong đoạn trích.
Trả lời:
+ Phép so sánh: Như nước Đại Việt ta từ trước/ vốn xưng nền văn hiến đã lâu.
+ Phép đối, câu biền ngẫu: Từ Triệu, Đinh, Lý, Trần bao đời gây nền độc lập/Cùng Hán, Đường, Tống, Nguyên mỗi bên hùng cứ một phương.
=> Tác dụng: tăng tính thuyết phục cho lí lẽ, dẫn chứng, giúp thêm phần khí thế cho Đại Việt khi đặt ngang tầm với các triều đại ở Trung Quốc.
Câu 5 - Trang 116: Đoạn trích Nước Đại Việt ta giúp em hiểu thêm những gì về Nguyễn Trãi và thế hệ cha ông ta thời bấy giờ?
Trả lời:
Đoạn trích Nước Đại Việt ta giúp em hiểu thêm tư tưởng nhân nghĩa, yêu nước cùng cái nhìn nhận về tình hình, cục diện đất nước của Nguyễn Trãi và thế hệ ông cha ta thời bấy giờ. Với những chứng cứ hùng hồn giàu sức thuyết phục, lời thơ đanh thép thể hiện ý chí của dân tộc, như một bản tuyên ngôn độc lập khẳng định chủ quyền dân tộc và nêu rõ rằng nước ta hoàn toàn tự chủ, độc lập, tự cường.
Câu 6 - Trang 116: Dựa vào nội dung đoạn trích, em hãy viết một đoạn văn (khoảng 10 – 12 dòng) để trả lời câu hỏi: Nước Đại Việt ta là một quốc gia như thế nào?
Trả lời:
Đoạn 1:
Nước Đại Việt ta là một đất nước có nền văn hiến lâu đời, có chủ quyền lãnh thổ, có phong tục tập quán, chế độ nhà nước riêng, lịch sử riêng, hoàn toàn bình đẳng ngang hàng với các triều đại Trung Quốc. Chính vì thế mà kẻ thù có ý định xâm lược nước ta tất yếu sẽ phải thất bại. Một dân tộc độc lập không chi là một dân tộc có độc lập và chủ quyền riêng, mà điều cần thiết không thể thiếu là dân tộc ấy phải có một nền văn hiến lâu đời. Nền văn hiến ấy chính là truyền thống văn hóa tốt đẹp. Nền văn hóa ấy kết hợp với phong tục tập quán sẽ làm nên bản sắc dân tộc. Đồng thời, cũng chính truyền thống văn hiến làm nên ý chí quật khởi, tạo nên một bề dày lịch sử oanh liệt hiếm có. Và nền độc lập ấy đâu phải tự nhiên vốn có, mà đó là kết quả của một quá trình đấu tranh lâu dài và gian khổ đầy hi sinh; đó là xương máu của bao lớp cha anh đã ngã xuống để xây đắp lên.
Đoạn 2:
Với đoạn trích Nước Đại Việt ta, Nguyễn Trãi đã đưa ra một quan niệm hoàn chỉnh về quốc gia, dân tộc, đồng thời khẳng định quyền độc lập, tự chủ không thể xâm phạm của đất nước Đại Việt. Tác giả đã đưa ra những yếu tố căn bản để xác định chủ quyền của một dân tộc lần lượt là: quốc hiệu, nền văn hiến, lãnh thổ, phong tục tập quán, lịch sử, nhân tài hào kiệt,... Đại Việt ta có nền văn hiến lâu đời. Nếu bên Trung Quốc có các nước Hán, Đường, Tống, Nguyên thì Đại Việt ta có Triệu, Đinh, Lí, Trần. Mỗi bên cai quản một phương trời. Đại Việt là một quốc gia độc lập không phải chư một nước chư hầu. Tuy mỗi bên có thời kì phát triển và suy yếu khác nhau, nhưng hào kiệt đời nào cũng có. Người ta nói "Hiền tài là nguyên khí quốc gia", mà nguyên khí không mất thì nước còn phát triển. Vì Đại Việt là một quốc gia độc lập, có chủ quyền nên hành vi xâm phạm lãnh thổ của giặc ngoại xâm là sai trái. Nhân dân Đại Việt anh hùng, sẵn sàng đấu tranh và đánh bại kẻ thù xâm lược, bảo vệ nền độc lập dân tộc và sự thật là chúng ta đã chiến thắng rất nhiều trận đánh lớn.
Ý kiến bạn đọc