Bài 1: Giới thiệu cuốn sách yêu thích hoặc tác phẩm của em
Có thể nói sách là thứ không thể thiếu trong cuộc đời mỗi con người, sách cho ta tri thức, nuôi dạy tâm hồn và trí tuệ của con người. Và chắc hẳn ai cũng có ít nhất một cuốn sách yêu thích của riêng mình và tôi cũng vậy. “Những kẻ mộng mơ” của Elvis Nguyễn là cuốn sách mà tôi trân quý nhất. Trong một đọc các mẩu tin trên mạng, tôi tình cờ đọc được một vài đoạn trích nhỏ của cuốn sách này, tôi đã nhận ra rằng đây là cuốn sách của cuộc đời tôi.
Có thể khẳng định rằng, cuốn sách này sẽ hấp dẫn bạn ngay từ cái nhìn đầu tiên. Sự thu hút của nó đến từ cách mà tác giả phối màu và trang trí bìa sách. Cuốn sách nhỏ gọn, dài khoảng 17cm, rộng 12cm, tông màu trắng xám rất phù hợp với nội dung của cuốn sách. Mặt bìa bọc bìa bóng sáng, trơn nhẵn. Tác giả thật tinh tế và biết cách chiều lòng bạn đọc khi đính kèm theo cuốn sách những tấm ảnh nhỏ xinh dùng để người đọc viết lại cảm nhận của bản thân.
Hẳn rằng mỗi người chúng ta ai cũng đã có lần cảm thấy rằng mình thật vô dụng, rằng cuộc sống quá nhàm chán khiến ta bất lực, con người ta cảm thấy thật đơn độc, mệt mỏi và đánh mất bản thân mình. Vậy thì đây là cuốn sách dành cho bạn. Cuốn sách giúp ta tìm lại chính mình, dẫn lối mình đến với bình yên và hạnh phúc. Cuốn sách không hẳn là tản văn hay tiểu thuyết mà có lẽ đơn giản chỉ là một cuốn nhật kí, nhật kí của những người đang theo đuổi đam mê, người theo đuổi danh vọng hay kẻ đang tìm kiếm tình yêu hoặc một thứ gì khác. Bởi vậy ta có thể nhìn thấy được bản thân mình ở trong đó. Tuổi trẻ đầy những hoài bão nhưng cũng chất chứa nhiều nỗi đau, những vấp ngã khiến ta cảm nhận rõ vị mặn chát của những tổn thương. Ta cảm nhận được vị cuộc đời : “Chúng ta ngủ vùi tuổi thanh xuân của mình trong một quãng đời. Khi tỉnh giấc chúng ta cố gắng tìm hiểu xem mình là ai. Tại sao mình lại tồn tại ở trên đời?”. Vậy tuổi trẻ có gì? Có lẽ là sự cô đơn, sự yếu đuối cùng cực khi đối mặt với cuộc sống. Với lời văn giản đơn không quá màu mè trau chuốt mang lại cho ta nhiều cảm giác chân thực, đầy những cảm xúc lẫn lộn. Ta như có sự đồng điệu với tác giả, từ đó soi chiếu vào bản thân, tìm sự giải thoát cho những khúc mắc trong quá khứ, mở lòng bao dung cho những điều đã qua để trưởng thành, để bắt đầu một hành trình mới.
Trong những tháng ngày, bản thân mệt mỏi muốn chùn bước, cuốn sách là liều thuốc xoa dịu tâm hồn tôi, làm tôi cảm thấy mình được sẻ chia, thấu hiểu. “Tuổi trẻ chúng ta như một giấc mộng dài không lối thoát. Cho tới ngày chúng ta tỉnh giấc và tìm ra hướng đi cho riêng mình”. Tuổi trẻ của tôi đã có lúc là một trang giấy trắng vì sự lạc lối mất phương hướng nhưng đã có lúc nó cũng là trang giấy úa vàng nhuốm màu vì những giọt mồ hôi và cả nước mắt.
“Có những thứ ở lại. Có những thứ sẽ đi. Một lúc nào đó. Một nơi nào đó. Chúng ta bám víu cảm xúc, sự mất mát. Mà trưởng thành. Quên hết tất cả, hay chấp nhận hiện thực rằng chúng ta đã xa?” Mong ai đó an yên cùng tôi. - Elvis Nguyễn.
Bài 2: Giới thiệu cuốn sách yêu thích hoặc tác phẩm của em
Người ta thường cho rằng lứa tuổi học trò là lứa tuổi vô tư, cuộc sống chỉ xoay quanh những mối quan tâm đơn giản. Bởi vậy, đây chính là thời kỳ tươi đẹp nhất trong cuộc đời mỗi con người. Nhưng thật ra, thế giới nội tâm của các cô cậu học sinh tuổi mới lớn phức tạp hơn thế rất nhiều. Trong tâm trí của những đứa trẻ đang lớn, đang chập chững bước vào đời ấy có rất nhiều những mâu thuẫn, dằn vặt, suy tư, khát vọng... khi đối mặt với muôn vàn cuộc sống đang hiện ra trước mắt.
Trong quãng thời gian này, chắc chắn ai cũng sẽ có những vấn đề của riêng mình. Những vấn đề mà nếu chúng ta chia sẻ với gia đình, bạn bè chưa chắc đã tìm được sự đồng cảm hay tiếng nói chung. Rồi ta cứ mắc kẹt trong vòng luẩn quẩn ấy: không tìm được cách giải quyết cho bản thân, cứ thế liên tục tạo ra những sai lầm, để rồi khi trưởng thành, ta nhìn lại và hối tiếc cho quá khứ. Với tôi, quá khứ chưa hề xa xôi lắm, nó mới chỉ như ngày hôm qua nhưng tôi đã hối tiếc về biết bao điều mà mình đã làm, hoặc chưa làm…
Những trải nghiệm và cảm xúc ấy của tôi cũng như của bao người khác dường như đã được tác giả Đồng Hoa mang tới và gói lại trọn vẹn trong cuốn tiểu thuyết “Thời niên thiếu không thể quay trở lại”.
Tôi cũng như bao cô cậu học sinh khác, cũng đang trong lứa tuổi học trò, cũng có nhiều gánh nặng trên vai, nhiều lúc tôi cảm thấy bế tắc: mình sẽ đối mặt với vấn đề ra sao, tâm sự với ai, ai sẽ là người tin tưởng mình bây giờ…? Cũng may mắn cho tôi bởi bên cạnh tôi luôn có những người bạn tốt, và một trong số họ đã tặng tôi cuốn cuốn sách này, cuốn sách với tôi vừa là sự chia sẻ, vừa là nguồn động viên, vừa là sự chỉ dẫn để tôi có được lòng tin để đối mặt với những “thử thách thanh xuân”.
"Nhiều năm qua, tôi luôn học tập một việc, chính là không quay đầu lại, chỉ vì bản thân mình chưa từng làm việc gì phải hối hận, không hối hận vì những chuyện mình đã làm.
Mỗi bước đi của cuộc sống đều phải trả giá đắt.
Tôi có được một ít mình muốn, mất đi một ít những gì mình không muốn mất.
Nhưng con người trên thế giới này có phải ai cũng vậy đâu?"
Nhắc đến tiểu thuyết ngôn tình, mọi người thường cho rằng đó là những cuốn sách vô bổ toàn về chuyện tình yêu với những tình tiết tưởng tượng xa rời thực tế, không giúp ích gì cho người đọc, nhưng tôi đã thay đổi suy nghĩ của mình khi đọc cuốn tiểu thuyết này của Đồng Hoa. Tác giả Đồng Hoa đã vượt lên trên giới hạn của một tác giả ngôn tình, khi cuốn tiểu thuyết của cô dù có đề cập đến câu chuyện tình yêu của lứa tuổi học trò nhưng nó lại chứa đựng nhiều bài học nhân sinh sâu sắc dành cho mỗi độc giả khi đọc cuốn truyện này.
Qua hình ảnh nhân vật La Kỳ Kỳ mà tác giả xây dựng tôi tin chắc rằng không chỉ tôi mà tất cả mọi người đều tìm thấy một phần bản thân mình trong đó. Xuyên suốt câu chuyện là hình ảnh cô gái nhỏ La Kỳ Kỳ trong những năm tháng của cuộc đời học sinh, trải dài từ những năm tháng học tiểu học, với bóng ma tâm lý đến từ cô giáo Triệu và rồi tìm được ánh sáng cuối con đường cứu giúp cô bé là cô giáo Cao. Tôi như bắt gặp hình ảnh của mình trong La Kỳ Kỳ thời cấp hai, khi cô đối đầu một cách bướng bỉnh với thầy "chậu của cải"... Những mất mát, tổn thương đến với Kỳ Kỳ đã giúp cô trở thành con người mạnh mẽ, kiên định nhưng tâm hồn của cô cũng bởi thế mà trở nên nhạy cảm hơn bao giờ hết. Ngoài kia, cũng có rất nhiều những anh chị, những bạn như tôi: vì đau đớn mà trưởng thành nhanh chóng nhưng luôn muốn được một lần nữa quay trở về với thời thơ ấu.
Trong suốt quãng thời gian tuổi trẻ, quãng thời gian khi tâm hồn ta còn non nớt, chập chững bước vào đời những bước đi đầu tiên, thì các tác động xung quanh chúng ta ảnh hưởng một cách không ngờ tới. Hiệu ứng bươm bướm giải thích khá đúng trong vấn đề này. Có thể nói, cuộc đời Kỳ Kỳ chịu tác động rất lớn bởi sự kiện cây bút máy khi cô còn học tiểu học. Chỉ đơn giản là một cây bút đắt tiền của người bạn bị mất, tất cả mọi người đều đổ dồn sự nghi ngờ cho cô bé,chỉ đơn giản là vì cô không được lòng cô chủ nghiệm, sự việc đó đã gây ra hệ luỵ rất lớn về sau. Vốn đã có những tổn thương trong tâm hồn, cô bé ngày ngày khép kín bản thân mình, tự tạo cho mình một chiếc vỏ để chui vào, học hành ngày càng sa sút, rồi tìm đến những người bạn mà xã hội gắn cho cái mác là bất hảo.
Trong câu chuyện này, tôi như tìm thấy bản thân mình trong nhiều phân đoạn,lúc cô giáo Triệu đổ oan cho Kỳ Kỳ lấy trộm chiếc bút máy, những lúc bố mẹ cô có phân biệt đối xử một cách rõ ràng giữa hai chị em, lúc ông ngoại mất. Tôi cảm thấy đồng cảm với nhân vật, nhất là lúc ông ngoại của cô mất, tôi cũng giống như nhân vật, cũng được ông ngoại yêu thương chiều chuộng nhất, người mà lúc đó bản thân mình yêu thương nhất. Nhưng rồi ông lại rời bỏ mình ra đi, tôi cảm thấy như mất hết tất cả, tự hỏi tại sao ông trời lại cướp đi người mà mình yêu thương nhất. Rồi tôi chợt nhận thấy, hoá ra trên đời này có người chung hoàn cảnh với mình, dù chỉ có nhân vật không có thật, một nhân vật hư cấu, nhưng phần nào tôi cũng cảm thấy như được an ủi. Đó cũng là lúc tôi nhận ra được nhiều điều.
"... Con người nhận được thứ này, chắc chắn sẽ mất đi thứ khác, đôi khi mất đi chính là để nhận lại, và có lúc nhận được chính là để mất đi..."
Lời nói này của Tiểu Ba khiến tôi như vỡ oà những cảm xúc trước đó, nó khiến tôi hiểu ra rằng cuộc sống không bất công như mọi người hay nghĩ, nó luôn có sự cho đi và nhận lại, đó là sự cân bằng của cuộc sống. Tạo hoá ban tặng cho ta thứ gì sẽ lấy đi của chúng ta một cái gì đấy. Cuộc đời chính là như thế, chúng ta phải học cách chấp nhận, học cách nhận lấy và mất đi.
Trong tác phẩm này, tôi tìm thấy một Cát Hiểu Phi xinh đẹp,học giỏi một cô bé có tương lai đầy hy vọng, nhưng nếu cô không vướng vào mối tình với Vương Chinh, hoặc cuốn vào vòng xoáy của xã hội thì có lẽ cuộc đời cô đã bớt bi kịch hơn, số phận sẽ công bằng với con người ấy hơn. Đau thương cho Hiểu Phi dù cho cô muốn quay đầu lại, làm lại cuộc đời mình cỡ nào đi chăng nữa, thì xã hội cũng không cho phép cô có quyền quay đầu.
Tôi bắt gặp hình ảnh Quan Hà luôn sống giả tạo trong cái vỏ bọc công chúa của chính bản thân mình tạo ra, một Quan Hà xinh đẹp, giỏi giang, hoà đồng, không ngừng cố gắng miệt mài xây dựng chiếc mặt nạ giả tạo do mình tạo ra.
Hay hình ảnh Hứa Tiểu Ba dịu dàng luôn giải thích cho Kỳ kỳ hiểu, không muốn cô mắc sai lầm của tuổi trẻ, luôn âm thầm ở đằng sau bảo vệ cô.
Tôi tìm thấy rất nhiều điều trong " Thời niên thiếu không thể quay lại ấy", dường như tìm thấy cả chính bản thân mình.
Thời niên thiếu có thật là không thể quay lại?
Thật sự không thể quay lại khoảng thời gian tươi đẹp ấy.
Vì không thể quay lại nên chúng ta luôn hối tiếc về ngày xưa.
Vì đang sống trong thời niên thiếu, nên luôn cảm thấy thời gian phía trước rất dài, nghĩ rằng tất cả mọi thứ có thể nhìn lại lần nữa, nhưng lại không biết, thời gian như một dòng sông, không bao giờ chảy ngược về nguồn.
Trong cuốn sách này, ta có thể tìm thấy những gì bạn nhiệt tình yêu thương, điên cuồng theo đuổi lại dần dần bị lãng quên, thay vào đó là sự hiện diện rõ ràng của sự trưởng thành.
Đây không phải là một cuốn ngôn tình về tình yêu tuổi trẻ thông thường, mà là một cuốn sách về tuổi trẻ, tuổi thanh xuân, nó như khắc hoạ lại cuộc đời, lại thời niên thiếu của chúng ta. Có những thứ một khi đánh mất là không thể tìm lại, có những người đi qua nhau là vĩnh viễn không thể gặp lại được nữa. Ta sẽ mãi mãi không thể tìm được những thứ mình bỏ lỡ, bởi đó chính là cuộc đời là thanh xuân là thời niên thiếu không thể quay lại.
Nếu bạn còn trẻ, xin hãy đối xử với những người xung quanh bạn thật tốt, thật dịu dàng, không phải vì sự cảm kích của người đó đối với bạn, mà là để sau này, khi bất chợt nhìn lại, bạn sẽ thấy trong tuổi thanh xuân của mình có ít điều phải ân hận hơn.
Bài 3: Giới thiệu cuốn sách yêu thích hoặc tác phẩm của em
Chắc hẳn ai trong chúng ta cũng đều có một tuổi thơ đáng nhớ, nơi đó chất chứa biết bao những kỉ niệm vui có, buồn có. Vì vậy mà những câu chuyện về tuổi thơ luôn biết cách lấy đi nước mắt của độc giả hay đẩy cảm xúc lên cao trào bằng những hồi tưởng về thời thơ ấu đầy ắp kỉ niệm. Cuốn sách “Cây cam ngọt của tôi” của tác giả José Mauro là một cuốn sách như vậy. Cầm cuốn sách trên tay, bạn đọc sẽ cảm thấy như được sống lại với tuổi thơ với tâm hồn trong veo ấm áp, luôn khát khao yêu thương và được yêu thương.
José Mauro (1920 – 1984) là một nhà văn người Brazil. Ông sinh ra trong một gia đình nghèo vùng ngoại ô Rio de Janeiro, đã trải qua đủ nghề để kiếm sống trong quá trình trưởng thành, nhưng với tài kể chuyện, trí tưởng tượng và trí nhớ thiên bẩm tuyệt vời đã thôi thúc Mauro phải viết, phải trở thành nhà văn. Ông bắt đầu sáng tác từ năm 22 tuổi với cuốn tiểu thuyết đầu tay mang tên “Banana brava”. Trong những tác phẩm nổi tiếng của ông, phải kể đến “Cây cam ngọt của tôi” – một tác phẩm nổi tiếng khiến trái tim hàng triệu người trên thế giới không ngừng thổn thức.
Câu chuyện xoay quanh Zezé - một cậu bé 5 tuổi xuất thân từ một gia đình nghèo ở vùng ngoại ô ở Brazil. Cậu bé bẩm sinh thông minh, tinh nghịch và đáng yêu, nuôi mơ ước thành nhà thơ, cổ thắt nơ bướm. Những chương đầu, tác giả sẽ đưa các bạn đọc bước chân vào một thế giới đầy trí tưởng tượng của cậu. Zezé sinh ra trong một gia đình có sáu người con, cha đang thất nghiệp và phụ thuộc vào từng đồng tiền tăng ca nhiều giờ ở xưởng dệt của người mẹ. Cái nghèo đã nhiều đời bám đuổi gia đình Zezé, vì bố mẹ phải đi lao động quần quật cả ngày nên cậu bé ít khi có thời gian gần gũi với họ. Cũng vì vậy mà Zezé có suy nghĩ già dặn, chín chắn hơn nhiều so với những đứa trẻ cùng tuổi. Từ chương 3 trở đi, độc giả có thể thấy sự thiếu thốn vật chất đã khiến cho một đứa trẻ mới năm tuổi phải lớn nhanh như thế nào, và vì sao những đứa trẻ như thế thì trí tưởng tượng của nó thật phong phú.
Trí tưởng tượng phong phú giúp Zezé tự biến vườn tược trong nhà thành rừng rậm Amazon hay thậm chí cả Châu Phi nữa. Zezé có một người bạn thân là em trai Luis, cậu chăm sóc em trai như một vị vua, Zezé đưa Luis đi thăm vườn thú và sông Amazon trong trí tưởng tượng của mình. Sau đó, Zezé chuyển đến nhà mới cùng gia đình với nhiều cây già trong sân, cậu chọn cây cam, đặt tên cho nó là Pinkie và hay gọi cây là “bạn yêu”. Chú bé đã giao tiếp, trò chuyện và tâm sự với cây cam như với một người bạn thân. Cây cam biết nói và biết mọi thứ trên đời, Zezé đã bộc bạch hết với cây cam những suy nghĩ trong lòng cậu bé. Trong thế giới đó, cây cam luôn lắng nghe, thấy hiểu, chẳng la mắng, cắt lời hay cười cợt cậu.
Đọc cuốn sách này, các bạn đọc sẽ có nhiều lần cảm thấy đau xót vì thương cảm cho chú bé Zezé với một tuổi thơ nhiều rạn vỡ, buồn tủi. Nhưng các bạn cũng sẽ mỉm cười và cảm thấy yêu thương sự sống từ trong sâu thẳm tim mình. Những nỗi đau rồi cũng sẽ qua đi nếu chúng ta trao đủ yêu thương tới những cần nó. Zezé bất hạnh trong gia đình cuối cùng cũng đã gom góp được yêu thương từ những người hàng xóm thân quan hay từ bông hóa trắng của cây câm trong khu vườn.
Sách “Cây cam ngọt của tôi” giúp chúng ta hồi tưởng những kỉ niệm vui vẻ và ngọt ngào nhưng vô cùng hấp dẫn. Cuốn sách nhắc nhở người lớn những bài học về cách đối xử với con trẻ, hãy dạy dỗ con cái chúng ta bằng tình yêu thương. Hãy đọc cuốn sách để iết rằng mỗi chúng ta đều là một món quà: “Ai đã ở trên đời, thì người đó xứng đáng được sinh ra, con ạ".