Sách đen (Black book), sách trắng (White book) và sách đỏ (Red book) là các từ được dùng khá rộng rãi trong lĩnh vực xuất bản phẩm quốc tế. Đó là ba từ chỉ ba loại văn bản cụ thể.
Cùng là sách, nhưng chúng được gắn với một định ngữ tính từ chỉ màu sắc khá quen thuộc: đen, trắng và đỏ. Nghĩa đen của ba từ cũng rất rõ. Và cũng từ ba sự phân biệt màu như vậy, người ta đã chọn làm biểu trưng cho đặc thù ba loại sách khác nhau.
TS Phạm Văn Tình phân tích cụ thể 3 loại sách này qua bài viết “Sách đen, sách trắng và sách đỏ” như sau:
Sách đen (Black book)
Sách đen (đen với hàm nghĩa đen tối, tiêu cực, xấu xa) là loại sách do Chính phủ hay Bộ ngoại giao của một quốc gia nào đó công bố rộng rãi. Nhằm tố cáo trước dư luận quốc tế về những hành động mờ ám hay được coi là tội ác của một tổ chức, thế lực hoặc của một nước khác.
Ví dụ: Chính phủ Campuchia từng nhiều lần công bố Sách đen về tội ác diệt chủng của chế độ Khơ-me Đỏ dưới chế độ Pôn Pốt tàn bạo.
Sách trắng (White book)
Sách trắng (trắng với hàm nghĩa giải nghĩa, nói cho rõ, nói trắng ra) cũng là sách của Chính phủ hay Bộ ngoại giao của một quốc gia nào đó công bố rộng rãi. Nhằm trình bày trước dư luận quốc tế một cách có hệ thống, có dẫn chứng cụ thể về các vấn đề chính trị, kinh tế, văn hóa đang được dư luận quan tâm.
Ví dụ: Năm 2005, Bộ Ngoại giao nước ta đã tổ chức họp báo, công bố Sách trắng về vấn đề nhân quyền ở Việt Nam.
Xuất phát từ thực tế là trong thời gian qua, có một số nước, một số tổ chức nước ngoài có thái độ nhìn nhận, đánh giá chưa đúng mức về chủ đề quyền con người ở nước ta.
Cuốn sách đưa ra nhiều quan điểm, nhiều luận chứng và luận cứ nhằm bác bỏ sự xuyên tạc của một số chính phủ phương Tây về vấn đề này.
Sách đỏ (Red book)
Sách đỏ (đỏ với hàm nghĩa “báo động đỏ”, cảnh báo, nguy cấp, nóng) là sách thống kê một danh sách động vật, thực vật hoặc những giá trị vật chất, tinh thần quý hiếm, rất cần được bảo vệ để ngăn ngừa nguy cơ bị tuyệt diệt. Ta thấy rất nhiều nước, nhiều tổ chức bảo vệ môi trường quốc tế cho công bố những cuốn sách đỏ theo chu kỳ hằng năm.
Ở nước ta, có khá nhiều động thực vật như sao la, voọc, tê giác một sừng, thú vật hoang dã, các loài cây hiếm lạ... được các tổ chức của Nhà nước đưa vào Sách đỏ và có kế hoạch gìn giữ, bảo vệ. Ngoài ra, không chỉ những động thực vật quý hiếm mà còn các giá trị tinh thần khác của con người (như tác phẩm truyền khẩu, âm nhạc, lối sống, thuần phong mỹ tục,...) cũng được UNESCO đưa vào danh mục văn hóa phi vật thể cần bảo tồn và phát triển.
Ví dụ: Sách Đỏ Việt Nam được thực hiện từ 1989 đến 1991 và cho tới nay đã hoàn thành xong việc soạn thảo tài liệu. Bao gồm 365 loài động vật, 350 loài thực vật thuộc loại quý hiếm ở nước ta hiện nay. Nhằm cung cấp tư liệu cho công tác giảng dạy, nghiên cứu và nhất là trong công tác bảo tồn thiên nhiên ở nước ta.
Xét từ góc độ thuật ngữ xuất bản, các tính từ đen, trắng, đỏ (trong sách đen, sách trắng, sách đỏ) chỉ có tính chất ước lệ, nên khi xuất bản, không có nghĩa là màu trên bìa hay ruột sách phải thể hiện tương ứng. Mà do tính chất của vấn đề mới là yếu tố quyết định.
Tuy vậy, cũng đôi khi ta thấy, các cuốn sách đen được thể hiện trên nền bìa đen, sách trắng trên nền bìa trắng. Riêng sách đỏ, người ta có thể in chữ đỏ, nền đỏ tùy trường hợp. Có cuốn sách đỏ còn in thêm chữ tắt SOS với ngụ ý là “Nguy hiểm: tình hình đã tới mức nguy cấp, đáng báo động”, rất cần sự quan tâm cần thiết của tất cả mọi người.