Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

LGBT là gì?

Thứ sáu - 23/02/2018 06:24
LGBT là tên viết tắt của nhóm từ: Lesbian, Gay, Bisexual và Transgender. LGBT thể hiện sự đa dạng của các nền văn hoá nhân loại dựa trên thiên hướng tình dục và bản dạng giới.
Lesbian: đồng tính luyến ái nữ (đối tượng họ thích là nữ).
Gay: đồng tính luyến ái nam (đối tượng họ thích là nam).
Bisexual: song tính luyến ái (đối tượng họ thích là cả nam và nữ).
Transgender: hoán tính hay còn gọi là người chuyển giới (đối tượng họ thích từ nam sang nữ và ngược lại nữ sang nam).

 
Thiên hướng tính dục của con người được chia thành ba loại chủ yếu: dị tính luyến ái, đồng tính luyến ái và song tính luyến ái, còn theo bản dạng giới thì phân thành: người chuyển giới và người không chuyển giới. Trong đó, LGBT là cộng đồng những người thuộc các thiên hướng tính dục và bản dạng giới thiểu số trong xã hội.
 
Ngày kỉ niệm
Liên Hiệp quốc chọn ngày 17 tháng 5 hàng năm là “Ngày quốc tế chống kỳ thị, phân biệt đối xử đối với người đồng tính, song tính và chuyển giới (LGBT) - IDAHO” (Tiếng Anh: International Day Against Homophobia and Transphobia). Ngày này được chọn để kỷ niệm sự kiện ngày 17/5/1990, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã “giải mã” thiên hướng tình dục và công bố loại bỏ đồng tính luyến ái ra khỏi danh sách bệnh tâm thần.
 
Liên Hiệp Quốc và quyền LGBT
Liên Hiệp Quốc coi “Quyền LGBT” (các quyền đối với cộng đồng LGBT như: công nhận hôn nhân đồng giới đối với người đồng tính, cho phép chuyển đổi giới tính với người chuyển giới, công nhận hay cho phép nhận người LGBT sinh con, nhận con nuôi... trong luật pháp) là vấn đề nhân quyền (quyền con người) và cần thực hiện tại các quốc gia, vùng lãnh thổ.
 
Trong cuộc họp vào tháng 5 năm 2012 của Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc (OHCHR), Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon phát biểu: “Trong tài liệu báo cáo của OHCHR cho thấy có một sự vi phạm đáng lo ngại ở tất cả các vùng miền. Chúng tôi thấy một hình ảnh của phân biệt đối xử, kỳ thị nhắm vào những con người chỉ vì họ là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hay chuyển giới. Có một sự bất công phổ biến tại những nơi làm việc, trường học và bệnh viện, có cả các cuộc tấn công, bạo lực kinh khủng, bao gồm cả tấn công tình dục. Có những người LGBT đã bị bỏ tù, tra tấn, thậm chí bị giết. Đây là một thảm kịch lớn cho những người phải chịu đựng, và là một vết nhơ bẩn đối với lương tâm chung của chúng ta. Nó cũng là một sự vi phạm luật pháp quốc tế”.
 
Tổng thư ký Liên Hiệp quốc Ban-ki-moon nhận định:
 
“Hàng triệu người LGBT từ khắp mọi ngóc ngách trên thế giới đang bị ép phái sống trong vỏ bọc của mình, trong nỗi lo sợ bị bạo hành, bị phân biệt đối xử, thậm chí bị bắt nhốt, chỉ vì bản dạng giới thật của mình hoặc người mà họ yêu thương. Những gì mà cộng đồng LGBT đang phải gánh chịu chính là một sự xúc phạm trắng trợn với những giá trị mà Liên Hiệp Quốc đã từ lâu gây dựng, cũng như với lý tưởng về nhân quyền trên khắp thế giới. Tôi cho rằng mức độ khó khăn trong việc chấm dứt tệ nạn này cũng ngang bằng với những trở ngại trong phong trào đấu tranh chấm dứt nạn phân biệt đối xử với phụ nữ và phân biệt chủng tộc”
 
Vào tháng 9 năm 2012, Liên hiệp quốc đã phát hành một ấn phẩm về vấn đề thiên hướng tình dục và bản sắc giới trong luật nhân quyền quốc tế, gồm 60 trang. Cuốn sách này tập trung vào 5 nghĩa vụ cốt lõi mà các quốc gia cần hành động cấp thiết, bao gồm:
 
- Bảo vệ người LGBT khỏi nạn kỳ thị;
- Ngăn ngừa các hành vi bạo lực tra tấn;
- Xóa bỏ các hình thức kết án đồng tính luyến ái;
- Ngăn cấm các hình thức phân biệt đối xử;
- Bảo vệ quyền tự do ngôn luận, lập hội và hội họp ôn hòa của tất cả những người LGBT.
 
Cuốn sách này cũng bao gồm hướng dẫn các hành động cần được thực hiện ở cấp quốc gia để đưa pháp luật, chính sách và thực tiễn về quyền LGBT phù hợp với các tiêu chuẩn quốc tế về quyền con người.
 
Tổng Thư ký Liên Hiệp Quốc Ban Ki-moon đã phát biểu:
 
“Văn hóa truyền thống không nên là một trở lực đối với việc thực hiện nhân quyền cho mọi người trên cơ sở xu hướng tình dục. Vì vậy người đồng tính, song tính và chuyển giới cũng nên có quyền được kết hôn như người dị tính và không thể sử dụng văn hóa, truyền thống làm lý do từ chối quyền cơ bản này đối với những người thiểu số tính dục”.
 
Ông cũng nói lên thông điệp:
 
“Với những bạn là người đồng tính nữ, đồng tính nam, song tính hay chuyển giới, cho tôi nói rằng: Các bạn không đơn độc! Cuộc đấu tranh của các bạn nhằm chấm dứt bạo lực và phân biệt đối xử là một cuộc đấu tranh chung. Bất kỳ cuộc tấn công nào nhắm vào các bạn cũng là cuộc tấn công vào các giá trị cốt lõi của Liên hiệp quốc. Tôi thề sẽ đứng lên bảo vệ và giúp đỡ các bạn. Ngày hôm nay tôi đứng với các bạn, và kêu gọi tất cả các quốc gia, tất cả mọi người cùng đứng về phía các bạn!”
 
Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon nhận định rằng luật hôn nhân đồng giới là “một bước tiến vĩ đại của quyền con người”. Kể từ ngày 26 tháng 6 năm 2014, Liên Hợp Quốc đã chính thức công nhận hôn nhân đồng giới, bao gồm các hình thức “hôn nhân”“kết hợp dân sự” đồng tính đối với hơn 43.000 nhân viên thuộc tổ chức này trên toàn cầu. Trước kia, tình trạng hôn nhân của nhân viên Liên Hiệp quốc được xác định bởi pháp luật của đất nước họ, tuy nhiên kể từ đây, Liên Hiệp quốc sẽ công nhận pháp lý với việc kết hôn của tất cả các cặp vợ chồng đồng tính, không phân biệt quốc tịch của họ và tình trạng pháp lý của hôn nhân đồng giới tại đất nước họ.
 
 
Công khai thiên hướng tình dục
Mức độ công khai thiên hướng tình dục của những người LGBT phụ thuộc vào việc họ sống trong một môi trường phân biệt đối xử ra sao, cũng như tình trạng về quyền LGBT nơi họ sinh sống.
 
Có nhiều người LGBT nổi tiếng công khai thiên hướng tình dục đồng tính, trong đó có cả nhiều nguyên thủ quốc gia, nhà lãnh đạo các tập đoàn hàng đầu thế giới. Nhiều ngôi sao giải trí nổi tiếng Hollywood, ca sĩ, MC nổi tiếng cũng công khai là người đồng tính. Nhiều cầu thủ bóng đá cũng công khai mình là người đồng tính. Có 1 vị cựu đại sứ và 6 đại sứ đương nhiệm của Hoa Kỳ là người đồng tính.
 
Luật pháp
Mặc dù đồng tính luyến ái đã không còn bị coi là phạm pháp nhiều nơi ở phương Tây, chẳng hạn như Ba Lan 1932, Đan Mạch 1933, Thụy Điển 1944 và Anh 1967, cộng đồng đồng tính vẫn chưa có quyền hợp pháp dẫu chỉ là hạn chế cho đến giữa những năm 70. Năm 1977, Québec tại Canada đã trở thành bang đầu tiên cấm kỳ thị dựa trên thiên hướng tình dục. Những năm 80 và 90, nhiều nước phát triển đã hợp pháp hóa đồng tính luyến ái và cấm kỳ thị người đồng tính trong công việc, cư trú và dịch vụ. Tính tới năm 2015, đã có hơn 20 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận hôn nhân đồng tính. Ngoài ra, nhiều quốc gia khác hiện đã công nhận quyền kết hôn của người đồng tính dưới hình thức kết hợp dân sự hoặc đăng ký chung sống, một hình thức để những cặp đôi đồng giới hợp pháp hóa việc chung sống với nhau và hưởng một số quyền, nghĩa vụ giống như hôn nhân của các cặp khác giới. Ngày 26 tháng 6 năm 2015, Tòa án Tối cao Hoa Kỳ thông qua quyết định chính thức hợp pháp hóa hôn nhân đồng giới trên toàn lãnh thổ Hoa Kỳ.
 
Tuy nhiên, tính đến tháng 7 năm 2015, vẫn có 72 nước có luật hình sự hóa đồng tính luyến ái, hầu hết số đó nằm ở châu Á và châu Phi. Tới năm 2013, chưa có quốc gia Châu Á nào công nhận hôn nhân đồng tính hoặc đăng ký sống chung. Ở những quốc gia Hồi giáo như Indonesia đã ban hành luật cấm nghiêm khắc chống lại người đồng tính. Quan hệ tình dục đồng tính có thể bị phạt 20 năm tù và bị đánh roi ở Malaysia. Năm 2003 ở Đài Loan, một dự luật được đưa ra để công nhận hôn nhân đồng tính đã không đạt đủ số phiếu để thông qua. Ở Nhật Bản, văn hóa và những tôn giáo lớn không có thái độ thù ghét những cá nhân đồng tính, nước này không có luật nào chống lại đồng tính luyến ái nhưng hôn nhân đồng tính thì không được công nhận.
 
Ở khu vực Trung Đông vốn tập trung nhiều nước đạo Hồi, đồng tính luyến ái bị pháp luật cấm nghiêm khắc. Duy nhất ở Israel, quyền của người đồng tính được pháp luật hỗ trợ. Israel là nước có tỉ lệ ủng hộ hôn nhân đồng giới cao nhất thế giới với 61% người dân ủng hộ. Israel là nước Trung Đông đầu tiên và duy nhất cho đến nay công nhận sự chung sống không đăng ký của cặp đôi đồng giới. Mặc dù chưa công nhận hôn nhân đồng giới, Israel là quốc gia Trung Đông đầu tiên và duy nhất cho đến nay công nhận hôn nhân đồng giới ở nước khác.
 
Với người chuyển giới, hiện tại đã có hơn 25 quốc gia và vùng lãnh thổ công nhận người chuyển giới.
 
Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên Hiệp Quốc (UNESCO) cho biết, trong gần 80 quốc gia trên thế giới thì yêu thương một người nào đó cùng giới vẫn được coi là bất hợp pháp, và ở nhiều nước vẫn còn nhiều công dân bị từ chối quyền được sống theo bản sắc giới tính của họ. Cùng với bất bình đẳng trong luật pháp, hội chứng kỳ thị và phân biệt đối xử đang hàng ngày diễn ra để từ chối những phẩm giá con người căn bản của hàng triệu người trên toàn thế giới.

  Ý kiến bạn đọc

DANH MỤC

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây