KỲ THI TỐT NGHIỆP TRUNG HỌC PHỔ THÔNG NĂM 2020
Bài thi: Ngữ Văn
Thời gian làm bài: 120 phút, không kể thời gian phát đề
I. PHẦN ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)
Đọc đoạn trích:
Không cần ngôn ngữ, mọi sự sống nhỏ nhoi trong tự nhiên đều dạy cho loài người chứng kiến tầm quan trọng của việc “sống hết mình ở thời khắc này”. Chẳng hạn tại vùng Tsunoda thuộc Bắc cực, giữa mùa hè ngắn ngủi, các loại thực vật đua nhau nảy mầm, nở thật nhiều hoa, kết hạt, chen chúc vươn mình trong khoảng không với mảnh đời thật ngắn ngủi. Có lẽ chúng chuẩn bị sẵn sang để đối phó với mùa đông dài khắc nghiệt sắp tới và phó thác sinh mạng mình cho tự nhiên. Rõ rang là chúng thực sự sống hết mình cho hiện tại, không ảo tưởng, không phân tâm.
Ngay cả ở vùng sa mạc khô cằn Sahara, nơi mà mỗi năm chỉ có một hai cơn mưa, nhưng mỗi khi có những giọt nước mưa hiếm hoi trút xuống thì các loài thực vật lại vội vã nảy mầm và nở hoa. Và trong khoảng thời gian từ một đến hai tuần ngắn ngủi, chúng ra hạt, oằn mình chịu đựng trong cát, trong cái nóng như thiêu như đốt, tiếp tục sống chờ đến trận mưa sau để nòi giống của chúng sẽ lại trỗi dậy… Quả thật là muôn loài trong tự nhiên đều sống hết mình, sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc, trong suốt khoảng thời gian sống được hạn định.
Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai. Vậy thì loài người chúng ta lại càng phải biết trân trọng cuộc sống mỗi ngày để không thua kém cỏ cây muông thú.
(Trích Cách sống: từ bình thường trở nên phi thường, Inamori Kazuo, NXB Lao động, 2020, tr. 103-104)
Thực hiện các yêu cầu sau:
Câu 1: Xác định phương thực biểu đạt chính được sử dụng trong đoạn trích.
Câu 2: Theo đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực sinh trưởng như thế nào giữa mùa hè ngắn ngủi?
Câu 3: Chỉ ra những điểm tương đồng về sự sống của các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực và ở vùng sa mạc Sahara trong đoạn trích.
Câu 4: Anh/ Chị có đồng tình với nhận định của tác giả “Sống hết mình cho hiện tại sẽ đưa sự sống, dù nhỏ bé, vươn đến ngày mai”? Vì sao?
II. LÀM VĂN (7,0 điểm)
Câu 1 (2,0 điểm)
Từ nội dung đoạn trích ở phần đọc hiểu, anh/chị hãy viết một đoạn văn (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của bản than về sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Câu 2. (5,0 điểm)
Phân tích tư tưởng Đất Nước của Nhân dân được nhà thơ Nguyễn Khoa Điềm thể hiện trong đoạn trích sau:
Em ơi em
Hãy nhìn rất xa
Vào bốn nghìn năm đất nước
Năm tháng nào cũng người người lớp lớp
Con gái, con trai bằng tuổi chúng ta
Cần cù làm lụng
Khi có giặc người con trai ra trận
Người con gái trở về nuôi cái cùng con
Ngày giặc đến nhà thì đàn bà cũng đánh
Nhiều người đã trở thành anh hùng
Nhiều anh hùng cả anh và em đều nhớ
Nhưng em biết không
Có biết bao người con gái, con trai
Trong bốn nghìn lớp người giống ta lứa tuổi
Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất Nước.
Họ đã giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
Để Đất Nước này là Đất Nước của Nhân Dân
Đất Nước của Nhân Dân, Đất Nước của ca dao thần thoại.
(Trích Đất nước – trường ca Mặt đường khát vọng, Nguyễn Khoa Điềm, Ngữ Văn 12, Tập một NXB Giáo dục Việt Nam, 2019, tr.121)
--------------- Hết ---------------
Thí sinh không được sử dụng tài liệu. Cán bộ coi thi không giải thích gì thêm.
--------------------------------------
HƯỚNG DẪN GIẢI
I. Đọc hiểu
Câu 1. Phương thức biểu đạt : Nghị luận
Câu 2. Theo đoạn trích, các loài thực vật ở vùng Tsunoda thuộc Bắc cực giữa mùa hè vẫn đua nhau nảy nở, kết hạt, nảy mầm trong vòng đời ngắn ngủi, sẵn sàng đối phó với mùa đông khắc nghiệt sắp tới để tồn tại.
Câu 3. Điểm tương đồng giữa thực vật ở vùng Tsunoda và sa mạc Sahara: Khi có điều kiện dù ngắn ngủi, thực vật ở những nơi đây đều sống hết mình, sống nghiêm túc trong từng khoảnh khắc, rồi sẵn sàng chờ đợi những cơn mưa tiếp theo. Sức sống tiềm tàng trong hệ thực vật ở đây luôn mạnh mẽ, bất diệt.
Câu 4. Đây là câu hỏi mở. HS có quyền đưa ra câu ra lời phù hợp với bản thân em. Dựa trên nội dung sau:
- Sống hết mình cho hiện tại sẽ cho chúng ta tỏa sáng, thành công và tìm thấy ý nghĩa của sự sống.
- Chính cách sống hết mình với hiện tại làm cho cuộc sống ý nghĩa hơn, còn có ý nghĩa cải tạo tương lai.
- Lí giải nguyên nhân phù hợp với lựa chọn
- Diễn đạt trôi chảy, đúng chính tả, ngữ pháp
*** Gợi ý dẫn chứng: giấc mơ của Thúy (xương thủy tinh), còn sống một ngày em vẫn sống tròn vẹn của ý nghĩa cuộc sống với khao khát cống hiến. “Trước dĩ vãng hãy ngã mũ chào, trước tương lai hãy xắn tay áo tiến”
II. Làm văn
Câu 1. Trình bày suy nghĩ về “Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”
a. Đảm bảo yêu cầu về hình thức đoạn văn
- Thí sinh có thể trình bày đoạn văn theo hình thức diễn dịch, quy nạp, tổng – phân - hợp, móc xích hoặc song hành.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: “Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”
c. Triển khai vấn đề nghị luận
- Thí sinh lựa chọn thao tác lập luận phù hợp để triển khai vấn đề lập luận theo nhiều cách khác nhau nhưng phải làm rõ “Sự cần thiết phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Bài viết có thể triển khai theo hướng sau:
Giới thiệu vấn đề:
+ Trong bài thơ về hạnh phúc, Bùi Minh Quốc có viết:
“Trong một góc vườn cháy khét lửa napan
Em sửng sốt gặp một nhành hoa cúc
và em gọi đó là hạnh phúc”
Hạnh phúc là giá trị của sự sống ngay trong điều đơn giản nhất như nhành hoa cúc trong một góc vườn hoang tàn mà chúng ta cảm nhận. Vì thế cần “trân trọng cuộc sống mỗi ngày”. Đó là một quan niệm sống tích cực, sống đẹp.
Phần triển khai vấn đề:
- Giải thích vấn đề:
+ Cuộc sống là gì? Một câu hỏi luôn khắc khoải trong tâm hồn mọi người về ý nghĩa của cuộc sống. Sống không chỉ là sự tồn tại như W.Shakespeare đã viết trong Hamlet “to be or not to be”. Tồn tại hay không tồn tại, và con người không chỉ là tồn tại mà là phải sống với những ý nghĩa cao đẹp của nó.
+ Những biểu hiện của thái độ trân trọng cuộc sống: đối với bản thân, người khác, công việc, nghệ thuật, văn học, thiên nhiên, đất nước, gia đình, bạn bè…đó là những biểu hiện cụ thể, thường xuyên trong cuộc sống mỗi ngày của con người.
+ Tại sao phải trân trọng cuộc sống mỗi ngày?
. Cuộc sống của mỗi con người là sản phẩm quý giá, độc nhất mà con người có được trong cuộc đời của mỗi người. Nói rộng ra, toàn bộ sự tồn tại của vũ trụ, con người là báu vật duy nhất của một quá trình tiến hóa rất lâu dài, và đến nay, dường như chỉ có con người mới có được. Trong đó có tình yêu, lịch sử, văn hóa, nghệ thuật, gia đình, quê hương…
. Cuộc sống dài nhưng nó được kết nên bởi từng đơn vị thời gian: từng giây, từng phút, từng ngày… Do vậy, trân trọng cuộc sống, mỗi người phải thể hiện điều đó trong từng khoảnh khắc thời gian, từng ngày, từng hành động, lời nói, việc làm, và trách nhiệm đối với đồng loại…
. Cuộc sống của mỗi người cũng như của cả vũ trụ chỉ có duy nhất một lần. . Trân trọng cuộc sống sẽ mang lại những giá trị to lớn trong cuộc sống của mỗi người: sống có ý nghĩa, có ích cho cộng đồng và gặt hái những thành công…
- Bài học rút ra:
+ Chúng ta cần phải biết trân trọng cuộc sống vì giá trị cực kỳ quý báu của nó đối với mỗi người, đối với cuộc đời…
+ Chúng ta cần phải biết trân trọng cuộc sống ngay cả lúc dịch bệnh, bế tắc, khó khăn, chiến tranh, nghèo đói, tang tóc… Bởi vì, cuộc sống không phải lúc nào cũng suông sẻ. Trái lại, sống là vượt qua những khó khăn, trắc trở; là nổ lực vươn lên; là chinh phục những đỉnh cao để hoàn thiện bản thân và cuộc đời.
+ Trân trọng cuộc sống phải thể hiện một cách liên tục, toàn diện từ trong nhận thức, tình cảm đến hành động cụ thể. Với tinh thần sống hết mình ở mỗi thời khắc của cuộc đời.
- Kết thúc vấn đề:
+ Nếu chúng ta biết trân trọng cuộc sống, chúng ta sẽ có từng ngày hạnh phúc và cả đời hạnh phúc. Nếu tất cả chúng ta đều biết trân trọng đời sống trong từng giây từng phút đang tồn tại thì cuộc sống sẽ đẹp hơn rất nhiều và sẽ có rất ít tội phạm và có rất ít người là gánh nặng cho đồng loại.
Câu 1: Cách giải khác
• Nội dung: HS nêu được ý nghĩa của việc trân trọng cuộc sống mỗi ngày của bản thân
- Giúp ta biết ơn và hạnh phúc mỗi ngày
- Giúp bản thân hoàn thiện hơn mỗi ngày : học cách quản lý thời gian, hoàn thiện kĩ năng, trau dồi kiến thức, trân trọng tình cảm và những gì mình có, sống lạc quan và tích cực hơn mỗi ngày.
- Không hoài phí quá khứ và đối diện với tương lai đầy tự tin, hi vọng và có những ngày mai tươi sáng.
• Kỹ năng: HS biết cách viết đoạn văn NLXH
- Đảm bảo cấu trúc đoạn, có câu chủ đề
- Triển khai ý hợp lý
- Diễn đạt trong sáng, mạch lạc “Đừng thương tiếc hôm qua, đừng đợi ngày mai, đừng lảng tránh hôm nay”.
Chất liệu xây dựng cuộc sống của chúng ta chính là hiện tại, quá khứ là điều không thay đổi được và tương lai thì chưa đến. Vậy, bài học cần thiết cho bạn trẻ chính là hãy sống ở thì hiện tại và trân trọng cuộc sống mỗi ngày.
Ngày nay, trong thời đại 4.0, cuộc sống vội vã đôi khi làm ta choáng ngợp mà quên đi giá trị thực tại hay vì quá ỉ lại vào cuộc sống đủ đầy mà để lỡ tuổi trẻ đang trôi qua trong phẳng lặng, bên cạnh đó cũng có không ít người lại để quá trứ trói buộc mà trở nên sống hoài sống phí, … tất cả rồi có phải sẽ hối tiếc khi thời gian trôi qua không cách gì trở lại được. Chẳng phải ai cũng chỉ có một cuộc đời, một lần để sống?
Trân trọng cuộc sống mỗi ngày là cách ta trải nghiệm cuộc đời trọn vẹn nhất. Trân trọng cuộc sống mỗi ngày bằng cách hiểu về cuộc sống, biết ơn những gì chúng ta có, chúng ta gặp mỗi ngày để từ đó chúng ta biến những trải nghiệm ấy thành kí ức đẹp, thành quả, tình cảm đáng quý, để chẳng bao giờ để lỡ những điều tốt đẹp, cơ hội mà ta gặp mỗi ngày.
Trân trọng cuộc sống mỗi ngày còn giúp ta tận hưởng thời gian ta sống trọn vẹn nhất, ta biết quản lý thời gian, học tập, làm việc hiệu quả, không lãng phí. “Hãy sống như thể hôm nay là ngày cuối cùng của bạn” hay “Cảm ơn đời mỗi sớm mai thức dậy, cho ta thêm ngày nữa để yêu thương” là cách nói nhắc nhở ta trân quý mỗi ngày mình có được.
Đâu chỉ có những đóa hoa trên đá, những hệ thực vật trên cát nóng, chính loài người chúng ta luôn đối mặt với bao hiểm họa và đang cùng nhau chung sức cho một cuộc chiến toàn cầu: cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Trong bối cảnh mỗi ngày đều có hàng ngàn người chết trên thế giới, tiếng hát vẫn vang lên trên ban công những tòa chung cư ở Ý, những chiến sĩ áo trắng vẫn gửi lời yêu thương cho gia đình người thân và mọi người khắp thế giới, những chuyến xe bus truyền thông điệp yêu thương ở Mỹ, những suất cơm và vitamin yêu thương trên mọi nẻo đường xứ Việt…Ở Việt Nam ta, bao năm qua hoa vẫn nở trên chiến hào, cuộc đời vẫn đẹp sao dù bom đạn thét gào, miền Trung ngay trong tâm lũ vẫn có những ảnh cưới trên nóc nhà ngập lũ, …con người Việt luôn động viên nhau sau cơn mưa trời lại sáng. Quá khứ là trang sử vàng, hiện tại là đồng lòng gắng sức và luôn tích cực để tương lai luôn ngạo nghễ đối đầu hân hoan tiến bước.
Điều gì làm nên những điều kì diệu ấy, những bông hoa nở trong thời gian ngắn mà vẫn rực rỡ sắc hương. Đó là thái độ sống tích cực “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm”. Hãy biết cách nói lời cảm ơn mỗi mối nhân duyên có được, mỗi thời khắc trong ngày, mỗi người ta gặp, mỗi cơ hội để học hỏi và trưởng thành. Nên nhớ, đường dù ngắn không đi không đến, việc dù nhỏ không làm không xong, hãy biến những dự định, ước mơ dù nhỏ của các bạn hoàn thiện và đến gần với đích đến mỗi ngày và không bao giờ phải tiếc vì ngày hôm nay ta chưa cố gắng hết sức.
Câu 2. Cảm nhận về tư tưởng Đất nước của Nhân dân trong đoạn trích
a. Đảm bảo cấu trúc bài văn nghị luận: có đủ các phần mở bài, thân bài, kết bài.
b. Xác định đúng vấn đề cần nghị luận: đoạn cuối phần 2 của bài thơ.
c. Triển khai vấn đề nghị luận thành các luận điểm; vận dụng tốt các thao tác lập luận; kết hợp chặt chẽ giữa lí lẽ và dẫn chứng;
Học sinh có thể giải quyết vấn đề theo hướng sau:
* Giới thiệu tác giả, tác phẩm và đoạn trích:
+ Nguyễn Khoa Điềm thuộc thế hệ nhà thơ trẻ trong những năm kháng chiến chống Mĩ. Thơ ông thể hiện cảm xúc và suy tư sâu lắng của người trí thức về đất nước, con người Việt Nam.
+ Trường ca “Mặt đường khát vọng viết về sự thức tỉnh của tuổi trẻ đô thị vùng tạm chiếm miền Nam ý thức non sông đất nước, về sứ mệnh của thế hệ mình, xuống đường đấu tranh chống đế quốc Mĩ xâm lược. Đoạn trích “Đất Nước” trích từ chương V của bản trường ca là một trong những đoạn thơ hay nhất về đề tài đất nước trong thơ Việt Nam hiện đại.
+ Đoạn thơ sau đây, thể hiện tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” …
* Phân tích đoạn thơ
1. Khái quát chung:
“Hỡi sông Hồng tiếng hát bốn nghìn năm
Tổ Quốc bao giờ đẹp thế này chăng?”
(Chế Lan Viên)
Đất Nước là một đề tài muôn thuở của thơ ca và nghệ thuật. Hình hài Đất Nước cũng được tạc thành nhiều vẻ đẹp khác nhau từ những góc nhìn khác nhau. Tố Hữu thấy Đất Nước trong bóng dáng người anh hùng, người Mẹ. Chế Lan Viên tìm thấy hình tượng Đất Nước qua những trang sử hào hùng, Nguyễn Đình Thi cảm nhận Đất Nước ở những đường nét hoành tráng còn Nguyễn Khoa Điềm, một nhà thơ chống Mỹ lại tìm vẻ đẹp của Đất Nước trong chiều sâu văn hóa, phong tục mang đậm dấu ấn tư tưởng “Đất Nước của nhân dân”. Chiều sâu tư tưởng ấy đã thể hiện sâu sắc qua đoạn thơ trên.
2. Tác giả ngợi ca vai trò lịch sử của Nhân dân trong sự nghiệp dựng nước và giữ nước.
a. Tư tưởng Đất nước của nhân dân bởi vì nhân dân là người đã bảo vệ, giữ gìn đất nước:
- Nhà thơ mong muốn thế hệ hôm nay đừng bao giờ quên cội nguồn, đừng đánh mất quá khứ, bởi cớ quá khứ mới có hiện tai và tương lai. Vì thế nhà thơ khuyên chúng ta hãy cùng nhìn lại nhìn vào qua khứ: “Em ơi em… Đất nước”
Cách dùng đại từ em cùng thán từ ơi tạo cho bài thơ có sự lắng đọng, như một lời thủ thỉ tâm tình của tác giả. Lịch sử nước ta là lịch sử của 4000 năm – dù đau thương nhưng cũng rất hào hùng. Quá khứ đó là quá khứ của những năm tháng chiến tranh, nhìn về quá khư để thấy được “Năm tháng… cùng con”. Đó là những năm tháng mà người người lớp lớp bất kể già trẻ, gái trai cũng luôn vừa cần cù lao động vừa đánh giặc cứu nước, bất chấp hi sinh gian khổ. Đó là những con người, người chồng, người vợ sẵn sàng hi sinh những tình cảm riêng tư của mình như tình yêu, tình vợ chồng để lên đường bảo vệ Tổ quốc.
- Những câu thơ “Ngày giặc… Đất nước” khái quát thật sâu sắc tinh tế tư tưởng Đất Nước của nhân dân
+ Câu thơ “Ngày giặc đến nhà…” gợi nhắc đến những người phụ nữ anh hùng đã đi vào lịch sử dân tộc như bà Trưng, bà Triệu… thể hiện niềm tự hào về công cuộc chống ngoại xâm cũng như tinh thần bất khuất không hề khuất phục trước bất kì kẻ thù nào.
+ Và trong cái chiều dài lịch sử dân tộc ấy, có biết bao người giống như lớp tuổi chúng ta bây giờ, họ đã sống và chết cũng như cống hiến một cách giản dị, bình tâm nhất, dù không ai nhớ mặt đặt tên… Nhưng chỉ cần Tổ Quốc lên tiếng, họ vẫn nguyện gác việc riêng tư, công hiến xương máu hiến dâng cho Tổ Quốc. Họ chính là người “đã làm ra Đất Nước”.
b. Trong sự nghiệp dựng nước, nhân dân là những người kiến tạo và bảo tồn những giá trị văn hóa, tinh thần của dân tộc.
Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng
Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi
Họ truyền giọng điệu mình cho con tập nói
Họ gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân
Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái
- Tác giả đã khẳng định: nhân dân là những con người bé nhỏ, bình thường trong xã hội nhưng chính họ làm nên Đất Nước.
- Qua câu thơ “Họ giữ và truyền cho ta hạt lúa ta trồng”, tác giả ca ngợi nhân dân đã để lại cho con cháu nghề trồng lúa - một nghề tiêu biểu cho sự trường tồn của dân tộc Việt Nam mà từ đó tạo ra cả một nền văn minh cho đất nước. Hai động từ “giữ” và “truyền” thể hiện ý thức tự nguyện tự giác của người dân trong việc gìn giữ và bảo tồn nguyên vẹn một nghề truyền thống của dân tộc. Câu thơ là lời nhắc nhở về đạo lý “Uống nước nhớ nguồn ”.
- Ở câu thơ “Họ chuyền lửa qua mỗi nhà, từ hòn than qua con cúi”, nhà thơ tiếp tục đề cao vai trò to lớn của nhân dân trong việc giữ lửa để góp phần làm cho cuộc sống ngày một phát triển, văn minh. Hành động “chuyền lửa” giữ lửa qua “hòn than”, qua “con cúi” thật bình dị nhưng là một bước tìm tòi, khám phá mà phải trải qua hàng mấy ngàn năm dân ta mới có được. Hành động này vừa thắt chặt tình làng nghĩa xóm; giữ sự ấm áp, hạnh phúc trong mỗi ngôi nhà vừa mang ý nghĩa cho sự hiện diện của đời sống văn minh.
- Nhân dân còn “truyền giọng điệu mình cho con tập nói”: Từ lúc sinh ra, rồi dần lớn lên, ta chập chững từng bước đi đầu tiên cùng với những từ bập bẹ, ngọng nghịu tiếng “mẹ”, tiếng “cha”. Những tiếng nói đầu tiên của cuộc đời mỗi con người là tiếng nói của cha ông, của đất nước có tự bao đời. “Nước đi ra biển, mưa lại về nguồn”, hơn 1000 năm lệ thuộc Phương Bắc, dân tộc ta vẫn kiên cường giữ vững bản sắc dân tộc, là tiếng nói cha ông. Câu thơ chứa đầy niềm tin mãnh liệt của nhà thơ về nhân dân mình đã sáng tạo và ý thức truyền giữ ngôn ngữ.
- Nhân dân còn “gánh theo tên xã, tên làng trong mỗi chuyến di dân”: Những vần thơ mang đậm tinh thần hoài niệm của dân tộc. Trong lịch sử, dân ta đã trải qua rất nhiều cuộc di dân, có thể vì chiến tranh, vì mưu sinh, vì công cuộc mở rộng bờ cõi, đất đai (Từ thuở mang gươm đi mở cõi/ Nghìn năm thương nhớ đất Thăng Long – Huỳnh Văn Nghệ)... Dù đi đến đâu, người dân vẫn không quên nơi chôn nhau cắt rốn, nơi mình đã sinh ra và lớn lên. Vì lẽ đó mà “tên xã”, “tên làng” ở cố hương lại được đặt tên cho vùng đất mới. Đó là cách họ lưu dấu quê hương của mình, mang cả nền văn hóa đến vùng đất mới để nhớ nguồn, để gìn giữ tâm hồn con người Việt Nam.
- Các từ “đập đập be bờ” gợi bao nỗi nhọc nhằn vất vả hiểm nguy của người dân khi phải đối diện với biết bao những trận thiên tai lũ lụt mà sức tàn phá của nó vô cùng khủng khiếp... Những người dân ấy phải dầm mình trong cái lạnh lẽo, buốt giá thậm chí hy sinh cả mạng sống để ngăn chặn lũ tràn bờ mà bảo vệ từng mái đình, ngôi nhà, ruộng lúa, bờ ao. Cũng chính vì thế mà vườn tược, cây trái được gìn giữ và truyền lại từ đời này sang đời khác. Câu thơ “Họ đắp đập be bờ cho người sau trồng cây hái trái” nhằm đề cao vai trò to lớn của nhân dân trong sự nghiệp gìn giữ những giá trị vật chất và tinh thần cho thế hệ đi sau. Đoạn thơ liệt kê các động từ: “giữ”, “truyền”, “chuyền”, “gánh”, “đắp”, “be” , “trồng”, “hái” để ghi nhận đóng góp lớn lao của nhân dân đối với sự nghiệp kiến quốc. Nhân dân với những việc làm bình dị mà thiết thực ý nghĩa đã làm nên đất nước.
c. Trong sự nghiệp giữ nước, nhân dân là những người viết nên những trang sử bi tráng:
Có ngoại xâm thì chống ngoại xâm
Có nội thù thì vùng lên đánh bại
- Như Chế Lan Viên từng viết: “Mỗi chú bé đều nằm mơ ngựa sắt/ Mỗi con sông đều muốn hóa Bạch Đằng”. Tinh thần yêu nước, chống ngoại xâm là sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong văn học. Tinh thần ấy đã được khắc tạc trong huyền sử Thánh Gióng, cậu bé ba tuổi cất tiếng nói đầu tiên là yêu nước. Không chỉ đấu tranh chống giặc ngoại xâm mà tinh thần yêu nước còn thể hiện ở chính nghĩa của nhân dân trong cuộc chiến tranh giành quyền lực của các thế hệ phong kiến. Nhân dân luôn đứng về phía chính nghĩa. Nhà thơ liệt kê các cụm động từ như “chống ngoại xâm”, “vùng lên”, “đánh bại” để ngợi ca nhân dân kiên cường bất khuất, anh dũng vô song, luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu để đem lại thanh bình cho đất nước.
d. Lời khẳng định tư tưởng “Đất nước của Nhân dân”:
Để Đất Nước này là Đất Nước Nhân dân
Đất Nước của Nhân dân, Đất Nước của ca dao thần thoại
- Từ “Đất Nước” viết hoa và được lặp lại bốn lần thể hiện tình cảm trân trọng và thái độ thành kính thiêng liêng của nhà thơ khi nói về đất nước. Tác giả nhấn mạnh hai lần cụm từ “Đất Nước của Nhân dân” và viết hoa từ Nhân Dân để xác định một cách mạnh mẽ nhân dân qua các thời kỳ đã có trách nhiệm xây dựng và bảo vệ đất nước, vì vậy đất nước không của một ai khác mà là của chính nhân dân. Đây là tư tưởng mới mẻ của Nguyễn Khoa Điềm khi đã tìm ra một vị chủ nhân mới của đất nước.
- Cụm từ “Đất Nước của ca dao thần thoại” nhằm giải thích ngọn nguồn của đất nước. “Ca dao” và “thần thoại” đều do nhân dân sáng tác để qua đó giãi bày nỗi nhớ tình yêu; gửi gắm tâm tình với quê hương, đất nước; hay răn dạy con cháu những giá trị đạo đức làm người... Tiếp tục khẳng định đất nước của nhân dân, nhà thơ khắc họa về một đất nước giàu tình nặng nghĩa, da diết thủy chung với những truyền thống đạo lý tốt đẹp, với những phong tục tập quán do nhân dân làm nên và được gìn giữ, kết tinh trong tục ngữ, ca dao, truyền thuyết, thần thoại để qua đó khẳng định tư tưởng “quần chúng nhân dân là người làm nên lịch sử” nên đất nước này phải là đất nước của nhân dân.
Trong văn học, hình ảnh nhân dân lao động - những con người làm nên lịch sử vốn không được đề cao. Trong áng văn “Hịch tướng sĩ” của Trần Quốc Tuấn, nhân dân lao động chỉ là những nông nô; trong “Bình Ngô đại cáo” của Nguyễn Trãi, họ là những người dân đen con đỏ yếu đuối cần được che chở, bảo vệ. Trong văn học hiện thực phê phán, người dân lao động chỉ là những nạn nhân, những con người tận cùng dưới đáy xã hội. Đến văn học cách mạng, người dân lao động mới thực sự trở thành người chủ nhân của đất nước. Làm nên non nước này là công lao của họ. Ca ngợi công lao của những người anh hùng làm nên đất nước, Nguyễn Khoa Điềm không kể tên những anh hùng lưu danh sử sách, không kể tên những công hầu, vương tướng mà ca ngợi nhân dân. Vâng chính họ đã làm nên: “Tổ Quốc bay lên bát ngát mùa xuân” (Lê Anh Xuân)
*Nghệ thuật:
- Bút pháp trữ tình chính luận được sử dụng nhuần nhị:
+ Nội dung: Đoạn thơ đề cập tới tư tưởng “Đất Nước của Nhân dân” bằng cái nhìn gần gũi, thân thương.
+ Hình thức thể hiện: Chất liệu văn hóa, dân gian được sử dụng đậm đặc giúp người đọc hình dung về vị chủ nhân mới của đất nước thật bình dị, sáng trong mà cũng rất kỳ vĩ, anh hùng.
* Kết bài: Đoạn trích là sự nhận thức mới mẻ của tác giả về đất nước : đất nước là của nhân dân, vì chính nhân dân là những người vô danh bình dị qua bao thời kỳ đã tạo ra đất nước theo chiều dài lịch sử, chiều sâu đời sống văn hóa và tinh thần dân tộc. Đoạn thơ đã xây dựng được bức tượng đài về người áo vải vô danh vào bia đài của lịch sử văn học:
“Họ đã sống và chết
Giản dị và bình tâm
Không ai nhớ mặt đặt tên
Nhưng họ đã làm ra Đất nước”.
d. Sáng tạo: Có cách diễn đạt mới mẻ, thể hiện suy nghĩ sâu sắc về vấn đề nghị luận.
e. Chính tả, dùng từ, đặt câu: Đảm bảo quy tắc chính tả, dùng từ, đặt câu.