Trình duyệt của bạn đã tắt chức năng hỗ trợ JavaScript.
Website chỉ làm việc khi bạn bật nó trở lại.
Để tham khảo cách bật JavaScript, hãy click chuột vào đây!

Giáo dục giá trị xây dựng văn hóa học đường

Chủ nhật - 26/10/2014 08:00
Mỗi trường cần có văn hóa học đường của mình; thực tiễn đã chứng minh tác dụng tích cực của văn hoá học đường, chống lại văn hoá độc hại, tiêu cực; mục tiêu chung nhất của văn hoá học đường là xây dựng trường học lành mạnh – cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng thật. Tuy còn có ý kiến khác nhau, ví dụ, về định nghĩa “văn hoá học đường”, nhưng khái quát lại, văn hoá học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy cô, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp.
I. NHẬP ĐỀ
 
Văn hoá học đường - một thuật ngữ còn khá mới mẻ với chúng ta. Hơn thế, là một phạm trù khoa học, ví dụ, trong sách về quản lý giáo dục, văn hoá học đường ở ta hình như chưa đề cập tới. Nhưng với tư cách là vấn đề thực tiễn, văn hoá học đường  đang  là  một  vấn  đề  thời  sự  nổi cộm, có thể nói, nơi nơi người người đều quan  tâm,  phản  ánh  cuộc  sống  trong trường học của chúng ta hiện nay phức tạp hơn trước nhiều: ở một số nơi với một số người, giáo dục và văn hoá không còn gắn kết, phát triển theo tỷ lệ thuận với nhau (học  vấn càng cao, văn hoá càng đẹp), có khi, thậm chí còn ngược lại, cả xã hội đang rất quan tâm đến đạo đức của học sinh, sinh viên, và  nhiều  khi   cả của các nhà giáo nữa, coi đây là trọng điểm của chất lượng giáo dục – đào tạo. Khái niệm “văn hoá học đường” cũng là một nội dung quan trọng của phong trào “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” và phong trào “Xây dựng nhà trường thân thiện”. Chủ đề “văn hoá” được bàn bạc rất sôi nổi trong vài thập kỷ gần đây (các nền văn hoá “đụng độ”, “va chạm” hay “gặp gỡ”, “giao lưu” ?1), nhất là khi nền văn minh nhân loại bước vào đợt sóng thứ ba của quá trình toàn cầu hoá từ những năm 90 thế kỷ trước, các quốc gia đều đặc biệt chú ý đến giáo dục, vấn đề văn hoá học đường nổi lên như một vấn đề thời sự. Cuối  cùng,  đương  nhiên,  không  thể  không nói đến, dù chỉ vài nét, tình hìnhvăn hoá trong nhà trường của chúng ta, cũng  như đôi điều  suy  nghĩ  theo  hướng tăng  cường giáo dục giá trị - một con đường xây dựng văn hoá học đường bảo đảm và nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo. Văn hoá học đường góp phần quan trọng chấn hưng - cải cách nền giáo dục nước nhà. 
 
II. VÀI ĐIỀU LÝ LUẬN: KHÁI  NIỆM CÔNG CỤ
 
1. Học đường 
 
Văn hoá luôn đi liền với giáo dục, giáo dục đi liền với văn hoá. Cả hai đều là sảnphẩm đặc thù của loài người, chỉ có loài người mới có. V.I.Lênin (1870-1924-Nga) đã khẳng định: giáo dục là “ phạm trù vĩnh hằng” - tồn tại mãi mãi cùng loài người: thế hệ trước phải truyền cho thế hệ sau các kinh nghiệm lịch sử - xã hội, tạo nên tiến hoá  không  ngừng  của  loài  người.  Suốt chiều dài lịch sử, chân lý đó ngày càng sáng tỏ, nhất là từ thế kỷ Ánh sáng (thế kỷ XVIII, Pháp). Giáo dục (bao gồm cả đào tạo) được coi là nhân tố cực kỳ quan trọng quyết định sự trường tồn của quốc gia-dân tộc.  Ở  nước  ta,  trong  Cương  lĩnh  Đảng Cộng sản Việt Nam (1991) ghi rõ giáo dục là quốc sách hàng đầu. Không bàn tới mầm mống (các hình thức) truyền đạt này ở thế giới động vật, cũng như sự truyền đạt theo cơ chế di truyền, mà chỉ nhắc lại một điều các bạn đều quen biết là bản chất (tính người, tình người, năng lực, nhân cách...) của con người được hình thành, phát triển từ ngoài xã hội vào - được xã hội hoá, nhập tâm vào não bộ, lĩnh hội, biểu hiện ra hành vi, hành động, hoạt động, theo cơ chế di sản.  Nói  cách  khác,  đứa  trẻ  từ  bào  thai chào đời như một sinh thể muốn thành người phải đắm mình vào quá trình giáo dục (theo nghĩa rộng của từ này). Quá trình này, ai cũng cảm nhận được, thật dầy công, nhiều khi cả cuộc đời, nhất là từ tuổi thơ đến hết vị thành niên; trong tiến hoá loài người còn dầy công hơn nhiều: tổ tiên chúng ta đã mất đến khoảng 4 triệu năm chăm sóc công việc này mới có Con Người hiện đại – Homosapien có tuổi 100.000 năm,  và  mãi  cho  đến  cách  đây  khoảng 5.000 năm phạm trù nhà trường như là một thiết chế xã hội có tổ chức, có mục tiêu,... mới ra đời ở Trung đông, rồi 1.500 năm sau - ở Ai cập, tiếp theo, từ giữa thiên niên kỷ trước Công nguyên - ở Trung hoa và Hy lạp lớp học, trường học khá phát triển, cho đến ngày nay vẫn nổi tiếng và có nhiều môn đồ. Khái niệm “học đường” có từ đây, đề ra chương trình, hình thành phương pháp, xây dựng địa điểm giảng dạy- không gian tiến hành hoạt động dạy- học là một hoạt động cùng nhau với thầy và trò là chủ thể cùng nhau tiến hành các thao  tác  trong  giờ  học (đơn  vị  của  hoạt động dạy - học), lớp học, phòng thí nghiệm...,  các  hành  động  truyền  đạt-tiếp thu nhằm cùng một mục đích là hình thành và phát triển tri thức, kỹ năng, thái độ ở người học (3 thành tố của các môn học trong nhà trường – theo Quyết định của Bộ Giáo dục, năm 1985, 1990), cả hai chủ thể của hoạt động dạy - học với cùng một động cơ  là  hình  thành,  phát  triển  con  người (nhân cách, tay nghề, lương tâm nghề nghiệp...) trong dòng văn hoá, văn minh của  nhân  loại  và  dân  tộc.  Văn  hoá,  văn minh là nội dung của giáo dục – đào tạo, và cũng là mục tiêu của giáo dục – đào tạo. Vấn đề đặt ra ở đây là làm sao chuyển vốn học vấn thành vốn văn hoá: từ tri thức, kỹ năng sang thái độ giá trị nhân cách - điều thông thường nay nói là dạy chữ, dạy nghề, dạy người. Tiến hành giáo dục trước hết và cuối cùng là nhằm phát triển con người, hình thành ở mỗi người nhân cách văn hoá, đòi hỏi một môi trường giáo dục tương ứng mà bây giờ gọi là “văn hoá học đường”.
 
2. Văn hoá là khái niệm công cụ của tâm lý học và giáo dục học
 
Thiết chế giáo dục hình thành và phát triển đã chấm dứt thời kỳ mông muội, lịch sử loài người bắt đầu thời kỳ văn minh, văn hoá từ các hình thái sơ khai sang các dạng thức  phong  phú,  rực  rỡ.  Trải  qua  mấy nghìn năm, mãi đến thời Khổng Tử (551-479 TCN) trong “Luận ngữ” mới có thuật  ngữ “văn hiến”, trong tiếng Anh thuật ngữ “văn  hoá”  xuất  hiện  năm  1420,  rồi  đến giữa thế kỷ XX khoa học nghiên cứu văn hoá gọi là “Văn hoá học” (tiếng Anh: “Culturology”) mới ra đời. Xác định văn hoá là gì, có lẽ ai cũng biết, có khi mỗi người một ý, cũng có thể nói đây là một vấn đề thật không đơn giản, nội hàm của khái niệm này khá phong phú. Năm 1950 Cởrôcbơ (Krocber, Mỹ)) và Cơlốccôn (Kluckhon, Mỹ) đã tính được 164 định nghĩa về văn hoá2, rồi năm 1970 đến Môlơ (Mole, Pháp) con số này đã lên đến 2503. Không đi vào chi tiết, tôi giới thiệu vài định nghĩa về văn hoá mà tôi cho là cần thiết, bắt đầu từ Taylo (E.B.Tylor, 1832- 1917, Anh) đã đưa ra một định nghĩa đến nay vẫn được coi là định nghĩa kinh điển về văn hoá; trong tác phẩm nổi tiếng “Văn hoá  nguyên  thuỷ”  (1871)  ông  viết:”Văn hoá là tổ hợp các tri thức, niềm tin, nghệ thuật, đạo đức, luật pháp, phong tục, và các năng lực, thói quen khác mà con người với tư cách là thành viên của xã hội tiếp thu được”. Đây là cách hiểu văn hoá theo nghĩa rộng, trước hết kể đến khoa học và giáo dục, như vậy, đúng là nói đến nhà trường là nói đến khoa học, giáo dục, văn hoá; rồi đến nghệ thuật, phong tục, mà nhiều người nhiều khi chỉ khuôn văn hoá vào đó; tôi muốn đặc biệt nhấn mạnh một ý trực tiếp liên quan đến chủ đề đang bàn: định nghĩa này đã chỉ ra cả các năng lực và thói quen từng người học được, đây chính là kết quả giáo dục mong đợi là hình thành và phát huy nhân cách văn hoá – bản sắc văn hoá, văn hoá ứng xử - hệ giá trị của từng con người, từng tổ chức, của nhà trường chúng ta...Ý nghĩa lớn của văn hoá mỗi người một phần thể hiện ở quan hệ “tâm – thân”  phản  ảnh  nội  tâm  phát  tiết  ra ngoài từ vẻ mặt, dáng đi, điệu bộ, phong thái...biểu hiện ra cách cư xử,  ăn nói, thường  gọi  là  người  “hào  hoa,  phonnhã”, và như người xưa rất coi trọng văn hoá vẫn thường dạy “học ăn, học nói, học gói, học mở”. Nói gọn lại, như Nguyễn Ái Quốc năm 1943 định nghĩa văn hoá là “ tổng hợp của mọi phương thức sinh hoạt cùng với biểu hiện của nó mà loài người đã sản sinh ra nhằm thích những nhu cầu đời sống và đòi hỏi của sự sinh tồn”4. Nhà trường phải dạy “phương thức sinh hoạt” – cách sống, lối sống ở ngay trong trường, ở gia đình, ngoài cộng đồng... Rất tiếc, lâu nay nhiều nhà tâm lý, giáo dục chúng ta chưa thấm nhuần triết lý sâu sắc này, ít để ý, nói thật hơn, không quán triệt vào hoạt động dạy - học.
 
Năm 2002 trong văn kiện “Tuyên bố chung về đa dạng văn hoá” UNESCO định nghĩa văn hoá là “...một tổ hợp các đặc điểm tinh thần, vật chất, trí tuệ và tình cảm nổi bật của xã hội hay nhóm xã hội, bao hàm cả nghệ thuật, văn học, lối sống, cùng với đường đời, hệ giá trị, truyền thống và niềm tin”. Bây giờ nói chung lại:“văn hoá vật chất” và “văn hoá tinh thần”, “văn hoá vật thể” và “văn hoá phi vật thể”. Khoa học về giá trị (giá trị học) coi niềm tin, truyền thống, và cả đường đời nữa, đều là các giá trị: văn hoá là các giá trị tinh thần của từng người, gia đình, cộng đồng... Lâu nay chúng ta đã và đang hết sức chú trọng, có nơi làm tốt, có nơi làm chưa thật tốt giáo dục truyền thống lịch sử, truyền thống cách mạng. Kết hợp vào đó, bây giờ nhiều nơi đã mở rộng ra truyền thống văn hoá. Qua định nghĩa vừa nêu có thể nhấn mạnh một ý là phạm trù “văn hoá” rất gắn bó với phạm trù “tâm lý”. 
 
Tâm  lý  học,  giáo  dục  học  quan  hệ máu thịt với văn hoá học và giá trị học, mở   đầu   từ   L.X.Vưgôtxki   (1896-1934, Nga) với lý thuyết lịch sử - văn hoá trong tâm lý học được trình bầy (đồng tác giả với A.R.Luria) trong tác phẩm “Các công trình nghiên cứu lịch sử hành vi”(1930). Ngày nay gọi lý thuyết này là tâm lý học lịch sử - văn hoá được truyền bá rộng rãi ở Âu - Mỹ và nhiều nước khác. Không nói tới nguồn gốc và nội dung văn hoá của  tâm  lý  người,  chỉ  nhấn  mạnh  khía cạnh trong công trình sáng tạo của hai tác giả về cơ chế tâm lý của hành vi văn hoá: hành vi văn hoá là hành vi bao giờ cũng có sự tham gia của một thuộc tính hay quá trình tâm lý trong bán cầu  đại não. Thuộc tính hay quá trình tâm lý tham gia vào hành vi văn hoá giữ vai trò như một “công cụ” tương tự như công cụ lao động trong hoạt động lao động tác động vào đối tượng lao động thông qua “biểu tượng trong ý niệm”, như C.Mác đã mô tả qua so sánh việc làm của con ong và lao động của nhà kiến trúc sư trong tác phẩm vĩ  đại  “Tư  bản”  (1869).  Vưgôtxki  và Luria viết: Kỹ xảo sáng   chế và sử dụng công cụ lao động là tiền đề của toàn bộ phát triển văn hoá của loài người; kỹ xảo ấy, quá trình sử dụng đó tạo nên các dấu hiệu – công cụ tâm lý ở trong đầu làm cho hành vi, hành động của con người mang tính gián tiếp: hành vi văn hoá, ứng xử văn hoá là hành vi, ứng xử bao giờ cũng có sự tham gia của các chức năng tâm lý cấp cao, như chú ý có chủ định, trí nhớ gián  tiếp,  tư  duy,  ngôn  ngữ.  Nói  cách khác, cơ chế của các biểu hiện văn hoá của con người là các chức năng tâm lý cấp cao. Đấy cũng là nội dung của lý thuyết “dấu hiệu” (có người gọi là “ký hiệu”). 19 năm sau, vào năm 1949 ở Mỹ Oaitơ (L.White, 1900-1975) trong tác phẩm lớn “Khoa học về văn hoá: nghiên cứu con người và văn minh” đã đánh đấu một mốc mới trong lý thuyết về cơ chế tâm lý của hành vi văn hoá. Ông khẳng định: các vật thể văn hoá là các “biểu trưng”  (“symbolate”),  văn  hoá  là  sản phẩm của quá trình biểu trưng hoá (symbolisation).  Như  vậy  là,  những  tri thức nhà trường truyền đạt cho người học phải giúp họ tạo nên các “dấu hiệu” trong não – các “công cụ” tâm lý trong đầu, nói một cách văn hoá, trong tâm hồn làm cho con người trở thành con người văn hoá. Đấy chính là mục tiêu của văn hoá học đường.
 
3. Văn hoá học đường
 
Sau ba bốn thập kỷ phát triển, văn hoá học được vận dụng vào nhiều lĩnh vực: trong tiếng Anh thuật ngữ “văn hoá chính trị” xuất hiện vào năm 1980, tiếp theo - “văn hoá công ty”, “văn hoá tổ chức”...; gần đây ở ta cũng dùng khá phổ biến, như“văn hoá lễ hội” (bây giờ nhiều nơi quáchú  ý  về  “văn  hoá”  này),  “văn  hoá  ẩm thực”,  thậm  chí  có  cả  “văn  hoá  giao thông”, v.v., đều là các thứ cần dạy cho người học. Không có điều kiện nói về các chuyện này, vì học đường – nhà trường là một tổ chức, nên cần nói qua về “văn hoá tổ chức”. Các tài liệu về văn hoá tổ chức thường đề cập đến các nội dung: văn hoá quyền lực của tổ chức, văn hoá vai trò, nhiệm vụ  của  tổ  chức,  văn  hoá  của  các thành viên trong tổ chức..., rồi tới các đặc điểm của tổ chức từ những đặc điểm bề ngoài có thể dễ quan sát, như cơ sở vật chất (nhà cửa, thiết bị, trang phục của các thành viên, ...), rồi đến trình độ nghề nghiệp chuyên môn của đội ngũ kể từ kỹ năng tay nghề, hành vi ứng xử, đến ý thức, lương tâm nghề nghiệp. Có thể đưa các tiêu chí này vào xây dựng văn hoá học đường5.
 
Thuật  ngữ  “văn  hoá  học  đường” xuất hiện trong các nước nói tiếng Anh vào khoảng đầu những năm 1990 (Deal,T. & Peterson, 1993)6. Ở một số nước, như Mỹ, Úc,  bước  đầu  tìm  hiểu  cho  hay,  đã  có Trung tâm nghiên cứu vấn đề này, đã tổ chức khảo sát thực tiễn, đã xây dựng tiêu chí đánh giá và tiến hành đánh giá. Tuy chưa có nhiều tài liệu về chủ đề này, nhưng tất cả  các  tác  giả đều nhất  trí  rằng mỗi trường  cần  có  văn  hoá  học  đường  của mình; thực tiễn đã chứng minh tác dụng tích cực của văn hoá học đường, chống lại văn hoá độc hại, tiêu cực; mục tiêu chung nhất của văn hoá học đường là xây dựng trường học lành mạnh – cơ sở quan trọng để đảm bảo chất lượng thật. Tuy còn có ý kiến khác nhau, ví dụ, về định nghĩa “văn hoá học đường”, nhưng khái quát lại, văn hoá học đường là hệ thống các chuẩn mực, giá trị giúp các cán bộ quản lý nhà trường, các thầy cô, các vị phụ huynh và các em học sinh, sinh viên có các cách thức suy nghĩ, tình cảm, hành động tốt đẹp; có tài liệu đưa ra nội dung cụ thể văn hoá học đường bao gồm:·  Làm cho mọi thành viên hiểu mục tiêu và giá trị của nhà trường;·  Chuẩn học các bộ môn;·  Làm cho mọi người học cam kết có trách nhiệm học tập tốt;·  Xây  dựng  quan  hệ  hợp  tác  trong nhà trường;·  Tạo cơ hội để các cán bộ và nhà giáo phản ảnh kịp thời tình hình, tập thể kiểm tra lẫn nhau và chia sẻ kinh nghiệm thực tiễn với nhau;·  Rèn  giũa  động  cơ  nâng  cao  tay nghề, cải tiến giảng dạy, tạo sự thống nhất trong cán bộ và nhà giáo7.
 
Các tác giả này họ nói, tất nhiên, về nhà trường của họ, tập trung trực tiếp vào dạy và học, và mối quan hệ hợp tác thầy – trò. Trong thời đại ngày nay, mối quan hệ này là nhân tố cực kỳ quan trọng đối với hiệu quả giáo dục của nhà trrường. Chả vậy mà Uỷ ban Giáo dục đi vào thế kỷ XXI của UNESCO đã đặc biệt lưu ý đến mối quan hệ này trong thời đại mới (nhân đây tôi xin nhắc lại không có cái gọi là lý thuyết “học sinh là trung tâm”). Tôi xin nêu 3 nội dung của văn hoá học đường của chúng ta:
 
a- Nhà trường chúng ta có hoàn cảnh riêng, nhất là về cơ sở vật chất: ngay các trường đạt  chuẩn  cũng  còn  thiếu  thốn nhiều; có trường tiên tiến xuất sắc ở một thành phố nổi tiếng chỉ có 50 máy tính/2000 học sinh; một tỉnh vào loại khá giả gần đây có tới 3000/7000 phòng lớp học còn ọp ẹp rách nát; nhiều tỉnh 50% số trường, lớp cũng như vậy; sách vở cũng nhiều chuyện chẳng ra sao; còn đội ngũ, cả nhà giáo lẫn cán bộ quản lý, tiếng kêu ca không phải là ít. Có lẽ, văn hoá học đường của chúng ta phải bắt đầu từ những chuyện này. Mọi người ở đây đều thấy như vậy. Làm sao các nhà quản lý các cấp cũng nhất trí với chúng ta, để đến năm 2015-2020, khi nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, trường lớp trên cả nước đều đã kiên cố hoá, như Chính phủ đã đưa ra Đề án từ năm 2004. Đó là điều thứ nhất trong văn hoá học đường.
 
b- Điều thứ hai của văn hoá học đường. Đồng thời với việc chăm lo cơ sở vật chất, sách giáo khoa, đội ngũ giảng dạy và quản lý, một việc có thể bắt tay vào làm ngay là xây dựng môi trường giáo dục trong nhà trường, trong ký túc xá hay nhà trọ, ở gia đình, nơi công cộng. Những năm 80 thế kỷ trước, khi trong xã hội đầy khó khăn phức tạp, đất nước rơi vào khủng hoảng, nhà trường được đánh giá là nơi giữ được môi trường trong sạch nhất. Nhiều trường đã đưa ra các khẩu hiệu, nội quy, nhất là từ năm 1987 hết sức coi trọng nề nếp, kỷ cương, duy trì phong trào “Dạy tốt, học tốt” theo Bác Hồ phát động. Bây giờ các trường phải quan tâm đến việc này, có thể và phải làm và làm tốt. Nội dung của văn hoá học đường nói chung, môi trường giáo dục nói riêng bao hàm  nội  dung  của  “trường  học  thân thiện” do Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) đề xướng từ những thập kỷ cuối thế kỷ XX với các nội dung: thân thiện với địa bàn hoạt động, thân thiện trong tập thể sư phạm với nhau, thân thiện giữa thầy và trò, có đủ cơ sở vật chất8; ở ta sau khi thí điểm ở 50 trường tiểu học và THCS, năm2008 Bộ GD-ĐT đã phát động phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích  cực”,  nhằm  “xây  dựng  môi  trường giáo dục an toàn, thân thiện, hiệu quả, phù hợp với điều kiện của địa phương và đáp ứng  nhu  cầu  của  xã  hội”  (Chỉ  thị  số 40/2008/CT – BGD ĐT, ngày 22-7-2008). Phong  trào  này  nhằm  “thiết  lập  lại  môi trường sư phạm với 6 đặc trưng là trật tự kỷ cương, trung thực, khách quan, công bằng, tình thương và khuyến khích sáng tạo, hiệu quả”9.  Đó là nội dung rất cơ bản của văn hoá học đường.
 
c- Điều thứ ba của văn hoá trong nhà trường của chúng ta có thể gọi là “văn hoá ứng xử”, “văn hoá giao tiếp”, phần nào ở trên đã đề cập, ở đây tập trung thành một nội dung đặc trưng nhất của văn hoá ở gia đình, trong nhà trường, ngoài xã hội – đó là quan hệ người - người, giá trị quan trọng nhất trong nhân cách (Phạm Minh Hạc, 2008)10. Xã hội giao cho nhà trường chúng ta dạy dỗ con em lễ phép, tử tế, lời hay ý đẹp, kính trên nhường dưới, lịch thiệp, thực thà, nề nếp, hợp  tác,  chia  sẻ,  khoan  dung  (năm  1927 trong “Đường kách mệnh” mục nói về thái độ đối với người khác, thái độ đầu tiên Nguyễn Ái Quốc khuyên là “khoan thứ”), tiếp nối truyền thống dân tộc “thương người như thể thương thân”...Suy rộng ra là giáo dục tinh thần trách nhiệm – chia sẻ với người xung quanh, với gia đình, với cộng đồng, với xã  hội,  và  quan  trọng  trước  hết  là  trách nhiệm với bản thân: trong tác phẩm vừa nêu trên Bác Hồ cũng nói đến thái độ với bản thân trước khi nói về thái độ đối với người khác, và cuối cùng mới nói tới thái độ đối với công việc. Đối với chính mình, thái độ đầu tiên Bác dạy là “cần”: trước hết phải chăm chỉ, đây là phẩm chất đầu tiên, quan trọng  nhất  giúp  ta  trở  thành  người  chân chính, tạo nên tâm lực, trí lực, thể lực – các giá trị của mỗi người, điều mà gần đây khi đời sống xã hội trở nên phức tạp hơn trước nhiều, người ta nói nhiều đến chữ “tâm”, thời xưa từ trước Công nguyên gọi là “nhân”, “lễ”. Lễ chính là văn hoá, là đạo đức10, một nội dung cốt lõi của văn hoá học đường mà cả xã hội đang coi là một tình hình bức xúc nổi cộm. “Tiên học lễ, hậu học văn” có ý nghĩa như vậy.
 
III. VÀI NÉT TÌNH HÌNH
 
Nói  chung,  phạm  trù  “văn  hoá  học đường” chưa được đưa vào phạm vi quản lý nhà trường chúng ta, chưa có tiêu chí, chưa ai khảo sát, đánh giá; nhưng nói về khía cạnh này, khía cạnh kia thì không ít. Bên  cạnh  những  trường  tốt,  những  cái được, còn nhiều điều không hay, đáng quở trách, thậm chí hầu hết các nhà giáo không muốn nghe, vì nghe thấy buồn, thấy ngượng, thấy xấu hổ cho người đồng nghiệp,  cho  trường  và  địa  phương  có những chuyện như thế. Dư luận xã hôi, các phương  tiện  thông  tin  đại  chúng  lên  án. Xấu xa nhất là xâm phạm tình dục trẻ em; đê tiện không kém là bạo lực đánh đập trẻ em ở trường và cả trong gia đình; không đẹp chút nào, có thể nói là hèn mạt, nhưng lại là  chuyện  xảy  ra  hàng  ngày  ở  nhiều trường là thầy cô xúc phạm học sinh dưới nhiều hình thức; dạy thêm với những thủ đoạn hết sức tiêu cực; nạn đòi đút lót tham nhũng đê tiện quá chừng; cảnh sinh viên sống bê tha trong các nhà trọ; chăm học, say sưa học tập ít quá; nói tục, chửi thề khá phổ biến; đáng buồn nhất là học trò hỗn láo với thầy cô; bạn bè đánh lộn; báo Thanh niên  ngày  17-1-2009  dưới  đầu  đề  “Sinh viên còn chưa sống đẹp” viết:”Xả rác ra đường, không nhường chỗ cho người già và phụ nữ mang thai trên xe buýt, thờ ở trước những số phận kém may mắn...; Truyền hình VTV và một số báo nêu tình trạng sinh viên “sống thử” trước hôn nhân; báo Pháp luật Tp. Hồ Chí Minh có bài về chuyện ngược đời “Cấp học cao, vi phạm đạo đức nhiều hơn”... Đó là những biểu hiện “không văn hoá”, “phản văn hoá” cần khắc phục.
 
Nói tóm lại, về văn hoá tinh thần hay văn hoá phi vật thể, nhất là về văn hoá ứng xử,  văn  hoá  giao  tiếp  trong  nhà  trường khắp nơi đều có vấn đề phải quan tâm. Còn về cơ sở vật chất hay văn hoá vật chất, văn hoá vật thể ở nhiều trường ở thành thị có đỡ hơn, nhưng còn xa mới được như ở các nước công nghiệp, chưa nói tới các nước hậu công nghiệp. Đối với các vùng khác, nhất là vùng núi, vùng sâu, vùng xa, phải  thực sự coi đầu tư vào giáo dục là biện pháp số 1 để thực hiện công bằng xã hội, xoá đói giảm nghèo, làm sao mau mau kiên cố hoá được tất cả các trường lớp, lo đủ sách vở, quần áo đồng phục, kể cả quần áo rét cho học sinh miền núi phía bắc cho học sinh phổ thông. Thật đau lòng thấy các em run cầm cập ngồi học trong các lớp trống trải gió rét run rẩy! Những người có lương tri đều mong mau chấm dứt tình trạng thương tâm này. Tất cả phải tạo nên một môi  trường  tự  nhiên  “sạch,  đẹp”,  còn “xanh” nữa – tất cả các cái này thầy trò phải  tự  lo.  Nhưng  Nhà  nước  phải  quyết định cấp đủ đất cho nhà trường theo chuẩn Bộ GD-ĐT đã đề ra. Có trường trên đồi rộng mênh mông mà trơ trụi. Nói chuyện sạch, có lần tôi có dự họp phụ huynh ở một trường, cô giáo chủ nhiệm cho biết, lớp cô một ngày phải dọn vệ sinh 3 lần. Học sinh lớp 7 mà như thế đấy! Tình hình này không phải hiếm lắm đâu! Đấy chẳng phải chỉ là hành vi thiếu văn hoá, mà chính là ý thức, tinh thần trách nhiệm với lớp, với trường. Từ đây, môi trường đường phố, xóm làng... ô uế độc hại, nguy hiểm - chuyện đương nhiên. Xem vậy, xây dựng văn hoá học đường là việc cần thiết biết nhường nào: phải giáo dục nhân cách văn hoá, làm cho người  được  học  trở  thành  người  có  văn hoá.
 
IV. GIÁO DỤC GIÁ TRỊ XÂY DỰNG VĂN HÓA HỌC ĐƯỜNG
 
Để xây dựng văn hoá học đường phải làm nhiều việc, bằng nhiều cách, như trên phần nào đã nêu. Vạn sự khởi đầu nan – phải bắt đầu từ các cấp quản lý ngành, lãnh đạo các trường có chủ trương, có kế hoạch triển khai, có kiểm tra, nhắc nhở, đánh giá – đó là điều kiện tiên quyết. Rồi đến đội ngũ nhà giáo chú ý giáo dục văn hoá là nhân tố rất quan trọng. Và tất nhiên, phải toàn trường, đến từng người học, ai cũng phải chú trọng đến hình thành và phát triển nhân cách văn hoá là giá trị của mỗi người mà nhà trường phải dạy cho được - giữ vai trò  quyết định của phong trào.
Mỗi cấp học, bậc học có yêu cầu riêng, nội dung riêng, biện pháp đặc thù. Ở đây tôi nói chung, trong các biện pháp, giới thiệu một biện pháp là mỗi trường có Hệ giá trị làm chuẩn mực để mọi thành viên đồng thuận lấy đó làm mục tiêu phấn đấu, thước đo thành quả của bản thân, của lớp, của trường, đặc biệt về mặt đạo đức xã hội, giá trị nhân cách - điều mà chúng ta gọi là “dạy người” bên cạnh “dạy chữ, dạy nghề”. UNICEF,  UNESCO  đã  đưa  ra  Chương trình Giáo dục giá trị, chú trọng vào giá trị kỹ  năng  sống;  ở  ta  có  người  tham  gia, nhưng sau hình như bị lãng quên; ở nhiều nước Chương trình này mang lại kết quả khá mỹ mãn, có nhiều kinh nghiệm đáng tham khảo.
Ví dụ, ở Singapore hầu hết các trường đều có Hệ giá trị (Core Values) riêng của trường mình. Đầu năm học 2004-2005 Bộ giáo dục nước này đã công bố Hệ giá trị của ngành giáo dục Singapore:
 
Sứ mệnh
 
Sứ mệnh nền giáo dục Singapore là phục vụ con em, cung cấp cho con em một nền giáo dục toàn diện, cân đối, phát triển hết  tiềm  năng,  giáo  dục  con  em  thành những công dân tốt, có ý thức trách nhiệm với gia đình, xã hội và đất nước.
 
Tầm nhìn
 
Để vượt qua thách thức trong tương lai,  phải  xây  dựng  Nhà  trường  tư  duy, Quốc gia học tập – làm cho Singapore trở thành một quốc gia tư duy và cam kết làm cho các công dân có khả năng đóng góp cho đất nước tiếp tục lớn mạnh và thịnh vượng.  Hệ  thống  giáo  dục  của  chúng  ta mưu cầu giúp học sinh thành những người tư duy sáng tạo, học suốt đời và các nhà lãnh đạo của những đổi thay.
 
Hệ giá trị 
 
1. Chính trực: lấy chính trực làm cơ sở - có tinh thần dũng cảm, đạo đức và thẳng thắn, nói và làm đúng đắn.
 
2. Con người: lấy con người làm tiêu điểm, phát huy cái tốt của mọi người. 
 
3. Học tập: đam mê học tập, lấy học tập  làm  đường  đời,  luôn  sẵn  sàng  đón tương lai. 
 
4. Chất lượng: theo đuổi chất lượng – chúng ta sẽ tốt hơn là chúng ta có thể, cố gắng cải tiến mọi việc chúng ta làm. 
 
Vận dụng kinh nghiệm của các tổ chức quốc tế và một số nước, tôi đã cùng với các cộng sự nghiên cứu giá trị học từ năm 1991 (Phạm Minh Hạc, 1994)11, chính tôi cho rằng: chẳng phải chỉ cho học sinh tham gia tìm hiểu, chăm sóc, phát huy giá trị các di tích lịch sử, văn hoá, cách mạng ở địa phương,  mà  phải  tạo  lập  Hệ  giá  trị  của chính mình, của đơn vị cơ sở giáo dục, để từng người và tập thể phát huy tiềm năng của mình, từ đó kế thừa và phát huy Hệ giá trị của cả quốc gia - dân tộc, bảo vệ và phát triển  bền  vững  đất  nước  độc  lập,  thịnh vượng.
 
TÀI LIỆU THAM KHẢO
 
1. S. Hungtington (2003), Sự va chạm của các nền văn minh, Nxb Lao động, Hà Nội.Hội thảo quốc tế tại Istanbul (tiếng Anh), Thổ nhĩ kỳ, tháng 7-2004: -G.F.Mclean. Các nền văn hoá gặp nhau. -Phạm Minh Hạc. Biện chứng của bản sắc văn hoá dân tộc và tinh hoa văn hoá nhân loại.
2. A.L.Kroiber, C.Cluckhon (1952), Văn hoá: tổng quan phê phán các quan điểm vàđịnh nghĩa (tiếng Anh), Nxb Vintage Books, Nữu Ước.
3.A.Mole  (1973),  Tính  xã  hội  động  học  của  văn  hoá  (tiếng  Nga),  Nxb  Tiến  Bộ, Matcơva.
4.Hồ Chí Minh (1995), Toàn tập, t.3, tr.431. Nxb Chính trị quốc gia, HN.
5.Văn hoá tổ chức,  Bách khoa thư Wikipedia (tiếng Anh).
6.Văn hoá học đường là gì? (tiếng Anh). Deal, T. & Peterson, K.(2009) Các chiến lược xây dựng văn hoá học đường...Mạng Google, 10-1-2009.
7.  Kent D.Peterson. JSD (Mùa hè 2002), Văn hoá học đường: tích cực hay tiêu cực? Tạp chí Phát triển đội ngũ, tập 23, số 3.
8.C.Dân, Thế nào là “trường học thân thiện”? Mạng UNICEF Việt Nam.
9.Giáo dục Việt Nam: Tầm nhìn 2020, Báo Giáo dục & Thời đại, số 15, 3-2-2009.
10.   Phạm Minh Hạc (2008), Quan hệ người - người: giá trị quan trọng nhất trong nhân cách, Tc. Nghiên cứu Con người, số 5 (38) 2008.
11.  Phạm Minh Hạc (1994), Vấn đề con người trong thời đổi mới, KX – 07, Hà Nội.
12.  Phạm Minh Hạc (2008), Giáo dục giá trị, Tc. Khoa học giáo dục, số 37, 10-2008 và số 38, 11-2008.
* GS.VS. Nguyên Bộ trưởng Bộ Giáo dục & Đào tạo, Chủ tịch danh dự Hội Khoa học Tâm lý-Giáo dụcViệt Nam  
 * Ngày nhận bài: 06/11/2013. Biên tập xong: 08/11/2013. Duyệt đăng: 12/11/2013.

Phạm Minh Hạc

Tạp chí Đại học Sài Gòn, Quyển số 17 - Tháng 11/2013

  Ý kiến bạn đọc

Bạn đã không sử dụng Site, Bấm vào đây để duy trì trạng thái đăng nhập. Thời gian chờ: 60 giây