Nguồn gốc, lịch sử và ý nghĩa
Vào rạng sáng ngày 1/6/1942, phát xít Đức bao vây làng Li-đi-xơ (Tiệp Khắc), chúng bắt 173 người đàn ông, 196 người phụ nữ và trẻ em. Tại đây, chúng đã tàn sát dã man 66 người và đưa 104 em thiếu nhi vào trại tập trung, 88 em đã bị chết trong các phòng hơi độc, 9 em khác bị đưa đi làm tay sai cho bọn phát xít. Làng Li-đi-xơ không còn một bóng người. Hai năm sau, ngày 10/6/1944, phát xít Đức lại bao vây thị trấn Ô-ra-đua (Pháp), chúng dồn 400 người vào nhà thờ, trong đó có nhiều phụ nữ và hơn 100 trẻ em, phóng hỏa đốt cháy một cách thảm thương.
Để tưởng nhớ đến hàng trăm trẻ em vô tội đã bị Đức Quốc Xã sát hại nhẫn tâm, năm 1949 Liên đoàn Phụ nữ dân chủ Quốc tế đã quyết định lấy ngày 1/6 hàng năm làm ngày quốc tế bảo vệ thiếu nhi, nhằm đòi chính phủ các nước phải nhận trách nhiệm về đời sống thiếu nhi, đòi giảm ngân sách quân sự để tăng ngân sách giáo dục, bảo vệ và chăm sóc thiếu niên, nhi đồng. Kể từ năm 1950, ngày 1/6 hàng năm trở thành ngày của thiếu nhi.
Tháng 4 năm 1952 tại Viên ( thủ đô nước Áo) đã có cuộc họp quốc tế bảo vệ thiếu nhi. Hội nghị này đã yêu cầu tất cả Chính phủ các nước đặt ra những Pháp luật cho nước mình nhằm đảm bảo hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em, đòi cấm dùng những phát minh khoa học vào mục đích chiến tranh. Đến năm 1955, Đại hội các bà mẹ của hầu hết các nước trên thế giới họp tại Matxacơva đã tố cáo bọn đế quốc âm mưu gây lại chiến tranh và kêu gọi các bà mẹ khắp năm châu xiết chặt thêm hàng ngũ đấu tranh cho một nền hoà bình bền vững trên đất nước. Từ đó đến nay, những tổ chức phụ nữ thanh niên ở các nước đã lấy ngày 1 – 6 làm ngày biểu dương lực lượng đấu tranh chống các thế lực gây chiến tranh để bảo vệ hạnh phúc cho các bà mẹ và trẻ em trên thế giới.
Trên thực tế, ngày 1-6 phần lớn chỉ được kỷ niệm ở vài chục nước theo chế độ Chủ nghĩa xã hội trước đây. Việt Nam thuộc khối Xã hội chủ nghĩa, đã chọn ngày 1-6 làm ngày Quốc tế thiếu nhi. Trung Quốc và Liên Xô cũ cũng chọn ngày này hàng năm để kỷ niệm về trẻ thơ cũng như tổ chức các chương trình bảo vệ quyền trẻ em.
Ngày Quốc tế thiếu nhi tại các nước trên thế giới
Tại đa số các nước Tây phương, Trung Đông, Phi châu và Nam bán cầu đều có Ngày Trẻ Em, tổ chức vào các thời điểm khác nhau trong năm. Ngày Trẻ Em ở Úc là ngày thứ Tư tuần bốn của tháng 10, ở Brazil là 12-10, còn là ngày Đức Mẹ Aparecida, ngày nghỉ toàn quốc tại Brazil. Trong khi đó, ngày Trẻ Em ở Ấn Độ là ngày 14-11, mừng sinh nhật nhà lãnh đạo Jawaharlal Nehru (thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ).
Tuy nhiên, tại Âu châu, Ngày Trẻ Em là ngày đặc biệt của LHQ, đặc biệt là UNICEF (United Nations International Children's Emergency Fund). Năm 2011, hội nghị thượng đỉnh các nước G8 tổ chức tại Heiligendamm (Đức) từ 6-6 đến 8-6 quan tâm vấn đề nghèo khổ ở Phi châu và ngăn ngừa HIV ở trẻ em.
Ở Nhật, Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày nghỉ toàn quốc, gọi là “Kodomo no Hi”, và được tổ chức vào ngày 5-5. Kodomo no Hi nghĩa là Ngày Trẻ Em, một ngày trong lễ hội Tuần lễ Vàng của Nhật (Japanese Golden Week festival), được tổ chức để tôn vinh trẻ em và mừng chúng hạnh phúc. Năm 1948, chính phủ Nhật tuyên bố Ngày Trẻ Em là ngày nghỉ toàn quốc. Ngày Thiếu Nhi có nguồn gốc là “Tango no Sekku”, được biết đến là Ngày Con Trai (Boys' Day) để tôn vinh con trai, còn Ngày Con Gái (Girls' Day) được tổ chức vào 3-3, gọi là Hinamatsuri. Năm 1948, chính phủ ra lệnh lấy ngày này làm ngày nghỉ toàn quốc để mừng hạnh phúc của trẻ em và bày tỏ lòng biết ơn các bậc cha mẹ. Sau được đổi tên là Kodomo no Hi.
Ngày Quốc tế thiếu nhi ở Việt Nam
Ngày Quốc tế Thiếu nhi (ngày 1 tháng 6) (tại Việt Nam, còn gọi là Tết Thiếu Nhi là ngày lễ vì trẻ em, vì thế hệ tương lai của loài người. Đồng thời cũng là ngày nhắc nhở mọi người hãy bảo vệ và chăm sóc trẻ em tốt hơn. Ngày Quốc tế Thiếu nhi là ngày lễ vì trẻ em Ở nước ta, ngay sau khi giành được độc lập, ngày 1/6 và Tết Trung thu (15/8 âm lịch) hàng năm đã thật sự trở thành ngày hội vui chơi tưng bừng của thiếu nhi cả nước. Ngày Quốc tế Thiếu nhi đầu tiên của Việt Nam là ngày 1/6/1950.
Vào ngày quốc tế thiếu nhi thì trẻ em hay được bố mẹ tặng quà hoặc cho bé đi khu vui chơi. Các món quà tặng như đồ chơi trẻ em, đồ dùng sinh hoạt cho bé...thường được bố mẹ mua làm quà tặng cho các bé. Những món đồ chơi giáo dục, đồ chơi kích thích trí tuệ hay những món đồ chơi mô hình...luôn à sự lựa chọn của các bậc phụ huynh dành cho con em mình để các bé có những món quà tặng ý nghĩa và thiết thực nhất trong những ngày này.
Các hoạt động vui chơi giải trí tại các khu vui chơi hay trung tâm thương mại cũng là lựa chọn hàng đầu của các bậc phụ huynh trong những ngày này. Vừa là món quà tặng dành tặng bé cũng vừa là dịp gia đình cũng nhau đi chơi. Các bé sẽ có cơ hội chơi nhiều trò chơi mà thường ngày bé không được chơi hoặc chơi những gì bé muốn. Bố mẹ cũng có thể đưa bé đi bơi lội tại các bể bơi hoặc mua bể bơi cho bé để bé vừa giải nhiệt mùa hè lại vừa có món quà tặng hấp dẫn trong ngày quốc tế thiếu nhi.